Dành một phần ba cuộc đời cho việc học hết đại học này đến đại học khác, cuối cùng bạn tôi vẫn chẳng làm công việc nào dùng bằng cấp.

"Nhân chuyện người đàn ông '16 lần cố thi vào đại học mơ ước', tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện tương tự của bạn tôi. Bạn học cùng tôi ở Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành Toán Tin.

Tuy nhiên, vì không đủ tiền đóng học phí, lại bị trượt môn Tiếng Anh đại cương, nên bạn quyết định bỏ ngang. Vậy là dù mới học năm hai đại cương, bạn đã bỏ ra ngoài và tiếp tục luyện thi để thi vào Đại học Sư phạm. Lý do là trường này miễn học phí và còn có học bổng cho sinh viên.

Để có tiền học và ăn uống, sinh hoạt ở Hà Nội, bạn đăng ký dạy gia sư, chuyên luyện thi vào đại học theo kiểu kèm cặp một nhóm khoảng 20 học sinh. Do bạn quá giỏi, nên hầu như tất cả nhóm bạn dạy đều đỗ đại học.

Chính bạn cũng đỗ Đại học Sự phạm nhưng lại không đủ điểm để giành được học bổng. Vậy là bạn lại một lần nữa từ bỏ và tiếp tục đợi năm sau thi lại với quyết tâm giành được học bổng mới nhập học.

Cứ như vậy, suốt ba năm, bạn không đi học đại học mà trở thành 'thầy luyện thi đại học', chuyên đi dạy luyện thi cho các thí sinh khác. Mãi sau đó, bạn cuối cùng mới đỗ Đại học Sư phạm, chuyên ngành Toán, với điểm giành được học bổng. Nhưng để đủ tiền học tiếp, bạn vẫn phải duy trì công việc dạy luyện thi của mình.

>> 'Bằng giỏi đại học vứt xó để đi chạy xe ôm'

Sau khi ra trường, bạn mới biết không phải cứ đỗ Sư phạm và tốt nghiệp ra trường là được đi dạy. Thế là bạn lại tiếp tục thi lại vào Đại học Kiến trúc, ngành Xây dựng với mục đích ra trường có thể đi làm được ngay. Và để thực hiện ước mơ ấy, bạn tiếp tục đi dạy luyện thi thêm hai năm nữa, tranh thủ ôn luyện lại luôn. Sau cùng, bạn cũng đỗ Đại học Xây dựng.

Nhìn lại, bạn đã dành tổng cộng gần 20 năm cuộc đời chỉ cho việc đi học ba đại học khác nhau. Giờ gặp lại bạn, hỏi ra tối mới biết bạn cũng không làm xây dựng, cũng không làm giáo viên trường nào. Thay vào đó, bạn vẫn tiếp tục công việc đi dạy thêm bên ngoài. Bạn chuyên dạy luyện thi lớp 7, 8, 9.

Thế mới thấy, học đại học là một chuyện, ra trường đi làm công việc gì lại là chuyện khác. Đôi khi thực tế sau này khác xa những gì bạn tưởng tượng".

Đó là chia sẻ của độc giả PTHNT về chuyện đánh đổi thời gian và công sức, và tiền bạc để theo đuổi giấc mơ vào đại học. Theo bạn điều đó có xứng đáng?

Thành Lê tổng hợp