Tìm kiếm cơ hội cọ xát
Đầu tháng 9/2024, tay vợt nam số 1 Việt Nam Nguyễn Anh Tú dự lượt giải WTT Contender 2024 ở Almaty (Kazakhstan) do một DN tư nhân tài trợ. Ngoài Nguyễn Anh Tú, một số tay vợt trẻ đang lên là Nguyễn Như Quỳnh, Đỗ Mạnh Lương cũng thi đấu hai lượt giải chuyên nghiệp của WTT tại Thái Lan, Lào.
Ngoài thi đấu quốc tế, các vận động viên Việt Nam có thể nâng tầm trình độ qua những giải quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, Giải bóng bàn quốc tế Côn Sơn lần thứ hai đã được tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 8 - 12/9, thu hút 8 đoàn trong nước và 4 đoàn quốc tế. Giải đấu cũng được coi là cơ hội để góp phần giải bài toán thi đấu quốc tế vốn nan giải bấy lâu nay cho bóng bàn Việt Nam.
Vận động viên Nguyễn Đức Tuân mang về tấm HCV quý giá cho bóng bàn Việt Nam ở nội dung đơn nam tại SEA Games 31 sau 19 năm. Ảnh: Tuấn BảoTuy nhiên, đây là một trong số ít giải đấu mà các vận động viên được tham dự trong năm. Được biết, kinh phí cho các tay vợt tham dự các giải của WTT là do Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vận động xã hội hóa cũng như nguồn kinh phí từ đơn vị địa phương chủ quản.
Việc một số tay vợt được tạo cơ hội dự hệ thống lượt giải của WTT trong tháng 9 này là một trong những chương trình đầu của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam thực hiện sau khi Ban Chấp hành Liên đoàn nhiệm kỳ 2024 - 2029 mới ra mắt.
Nhưng nếu chỉ trông vào những giải đấu như giải quốc tế Côn Sơn chắc chắn sẽ không đủ cho các tay vợt Việt Nam có thể khẳng định chỗ đứng trên bảng xếp hạng thế giới cũng như nâng cao trình độ. Bởi theo các chuyên gia, chỉ có thi đấu quốc tế liên tục mới là giải pháp tốt nhất để nâng cao trình độ cho vận động viên. Và muốn được như vậy phải có nguồn kinh phí để vận động viên đi thi đấu quốc tế.
Việc thi đấu quốc tế sẽ giúp các tuyển thủ tích lũy thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới, qua đó thuận lợi hơn trong việc bốc thăm, chọn hạt giống ở nhiều kỳ giải quốc tế sắp tới.
Nhìn ra khu vực và thế giới, các nước có nền bóng bàn mạnh luôn sở hữu những tay vợt có lối đánh đa dạng. Để có những lứa vận động viên tài năng và kế cận, các nước luôn có kế hoạch đầu tư bài bản và trọng điểm. Đây là điều bắt buộc đối với các môn thể thao, không chỉ riêng bóng bàn. Thống kê trong 10 năm qua, bóng bàn Việt Nam gần như không có những tay vợt thiên về lối đánh cắt bóng xa bàn kết hợp đột kích tấn công.
Bảo đảm cho những vận động viên trọng điểm thi đấu quốc tế
Nhìn lại các năm qua, việc đưa vận động viên đi tập huấn thi đấu nước ngoài được chú trọng chủ yếu là các địa phương, điển hình như: Hà Nội, Hải Dương. Đặc biệt, các chương trình tập huấn kết hợp thi đấu dài hạn tại Trung Quốc dành cho các tay vợt bóng bàn Hà Nội đã mang lại hiệu quả đáng kể, cung cấp cho bóng bàn Việt Nam nhiều tay vợt giỏi từ Lê Huy, Nguyễn Nam Hải, Nguyễn Anh Tú...
Tuy nhiên, sau khi Hà Nội không thực hiện các chuyến tập huấn dài hạn kết hợp thi đấu ở nước ngoài vì những vấn đề khác nhau khiến bóng bàn Việt Nam không sản sinh ra được vận động viên thực sự là đầu tàu trong nội dung thi đấu của mình ngay ở cấp độ toàn quốc.
Cho đến hết tháng 9/2024, kế hoạch thi đấu quốc tế dự các giải đấu thuộc hệ thống WTT của vận động viên Việt Nam đã ổn định. Tuy nhiên, đến cuối năm vẫn chưa có lịch dự các giải đấu khác của hệ thống WTT. Điều này lại phụ thuộc vào nguồn kinh phí mà Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam huy động.
Để khắc dần khắc phục những tồn tại ở các nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029 khẳng định, việc huy động kinh phí xã hội hóa từ các DN để giúp vận động viên được đi thi đấu quốc tế liên tục sẽ là ưu tiên trong cả nhiệm kỳ của Liên đoàn. Đây là bài toán khó nhưng vẫn phải giải bằng được bởi thực tế đã chứng minh, chỉ có tập huấn và thi đấu nước ngoài liên tục thì vận động viên mới nhanh chóng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm một cách hiệu quả.
“Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đang cố gắng giúp vận động viên có nhiều dịp thi đấu quốc tế với nguồn kinh phí đến từ ngành thể thao các cấp (vốn chỉ ở mức nhất định), gia đình vận động viên và các DN. Khó khăn còn đó, nhưng chắc chắn rằng so với cách đây 1 - 2 năm, vai trò của Liên đoàn sẽ được thể hiện mạnh mẽ hơn rất nhiều trong việc tìm nguồn kinh phí giúp vận động viên tập huấn, thi đấu quốc tế, để bảo đảm cho những vận động viên trọng điểm của Việt Nam được thi đấu quốc tế trong cả năm thay vì chỉ 1 - 2 tháng” - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Nam Hải khẳng định.
Đăng thảo luận