Cau tăng giá kỷ lục, đang dao động ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg. Người dân trồng cau trúng cực lớn, khi mức giá này duy trì liên tục gần nửa năm qua. Một tấn cau hiện đổi được một lượng vàng.
Giá cau ngày 10-10 tại Quảng Ngãi đang ở mức 83.000 đồng/kg - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 10-10, ông Phạm Hồng Khuyến, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, cho biết: "Chưa khi nào người dân trồng cau trúng lớn như năm nay. Giá cao neo ở mức kỷ lục và duy trì trong thời gian dài. Với giá hiện tại, 1 tấn cau đổi được 1 lượng vàng".
Cau "neo" giá kỷ lục trong 6 tháng qua
Từ tháng 3 năm nay, người dân bắt đầu thu hoạch cau và giá từ đầu vụ đã ở mức hơn 40.000 đồng/kg. Giá cau bắt đầu nhảy múa theo chiều hướng tăng liên tục. Đến tháng 5, giá "neo" ở mức hơn 50.000 đồng/kg.
Qua thời gian, giá cau trái tiếp tục được đẩy lên cao. Ngày 9-10, giá cau ở mức 80.000 đồng/kg, đến sáng 10-10 có giá 83.000 đồng/kg.
Sáng 10-10, anh Hùng - một người hái và thu mua cau tại vườn ở huyện Tư Nghĩa, nói: "Sáng nào chúng tôi cũng phải hỏi chủ lò (nơi gom mua cau) giá cau mới đi hái. Giá bây giờ ở mức cao nên không nắm kịp là "ăn đòn" như chơi. Như hôm qua 80.000 đồng/kg, sáng nay là 83.000 đồng/kg. Ngày mai thì chưa rõ giá bao nhiêu".
Thương lái bỏ cọc sầu riêng: Do trời hay do người?
Trung Quốc dự kiến mở cửa thêm cho cả loạt trái cây chủ lực của Việt Nam
Tại huyện miền núi Sơn Tây, nơi được mệnh danh là "xứ ngàn cau" hiện có hơn 1.000ha trồng cau. Mùa này bà con trúng cực lớn.
Bà con cho biết những năm trước, giá cao từ 4.000 - 7.000 đồng/kg. Năm sốt giá nhất được thương lái thu mua 30.000 đồng/kg. Còn năm nay, 6 tháng trôi qua, giá chưa lúc nào dưới 40.000 đồng/kg.
Bình quân, cau trồng 7 năm sẽ có trái ổn định, mỗi vụ kéo dài 7 tháng. Khoảng 20 - 25 ngày từ khi cau ra hoa, trái sẽ đến độ bán được.
Giá cau ở mức kỷ lục khiến người trồng cau phấn khởi - Ảnh: NV
Gia đình ông Dương (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) trồng 2.000 cây cau trên quả đồi rộng 2ha. Thu nhập mỗi tháng không bao giờ dưới 100 triệu đồng.
"Với vườn cau này, tháng thu thấp nhất của tôi là 100 triệu đồng. Cả làng tôi ai cũng phấn khởi", ông Dương nói. Khắp các bản làng người Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây đều chung niềm vui trúng mùa đậm.
Huyện Nghĩa Hành được xem là xứ cau ở đồng bằng Quảng Ngãi với hơn 700ha. Cau ở Nghĩa Hành được thương lái rất chuộng, giá vì thế cũng nhỉnh hơn.
Bà Lê Thị Nên (xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) có hơn 200 cây cau đang cho trái, mỗi lần bán hơn 100kg, cho thu nhập gần 10 triệu đồng.
"Một tháng qua, mỗi lần bán cau là tôi đi mua một chỉ vàng, dư lại thì sử dụng trong sinh hoạt. Năm nay tiền bán cau của nhà tôi hơn nửa tỉ rồi", bà Nên phấn khởi.
Huyện miền núi Sơn Tây là địa phương có diện tích cau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Cây cau ở đây cũng có đặc thù riêng, chịu được hạn hán, khác với giống cau dưới đồng bằng - Ảnh: TRẦN MAI
Giá cau tăng vì Trung Quốc mua mạnh
Theo các thương lái trực tiếp đi hái cau, giá tăng và giữ ở mức cao nhiều tháng qua bởi Trung Quốc thu mua rất mạnh. Cau hái đến đâu được mua đến đó. Nhiều chủ "lò" mua và sơ chế cau cũng nói năm nay Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm mua, nên giá tăng liên tục.
"Thương lái Trung Quốc cập nhật giá liên tục, chúng tôi nhận và thông tin đến người đi hái cau mỗi ngày. Có hôm giá buổi sáng thấy hơn giá buổi chiều tận 5.000 đồng/kg", chủ một điểm thu mua cau nói.
Giá cau đạt kỷ lục và duy trì trong nhiều tháng. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương không khuyến khích người dân tăng diện tích trồng ồ ạt. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cũng khuyến cáo người dân tăng diện tích theo quy hoạch, không tự ý phát sinh.
"9 xã của huyện đều quy hoạch diện tích trồng cau rõ ràng, người dân dựa theo quy hoạch mà phát triển. Giá đang cao, tuy nhiên có năm giá giảm rất sâu, thậm chí bỏ ngoài vườn không ai hái. Vì thế bà con không nên phát triển ồ ạt" - ông Khuyến, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, nói.
Khắp các ngã đường ở Quảng Ngãi, thợ hái cau tập trung thu mua - Ảnh: TRẦN MAI
Mỗi năm cau sẽ cho trái 7 tháng với khoảng 8-10 lứa quả - Ảnh: TRẦN MAI
Đăng thảo luận