'Việt Nam áp đảo Thái Lan, Singapore... trong cuộc đua danh hiệu, giải thưởng du lịch, nhưng lượng khách quốc tế bao năm vẫn lẹt đẹt vì toàn danh hão'.
"Du lịch Việt Nam đang bị mắc bệnh thành tích. Chúng ta thích tham gia các cuộc thi bình chọn (dù phải tốn tiền đăng ký), thích các danh hiệu, giải thưởng vì nó dễ làm hơn là tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong thực tế. Trong khi đó, nhìn sang các nước xung quanh trong khu vực, họ 'không thèm' than gia những cuộc bình chọn này (dù là có uy tín quốc tế), vì bản thân du lịch của họ đã có tiếng thơm bay xa hàng chục năm nay. Đây là sự khác biệt rất lớn về tư duy, tầm nhìn và cách làm du lịch giữa nước ta và các quốc gia láng giềng".
Đó là chia sẻ của độc giả Hưu về thực trạng "du lịch Việt nhận 'mưa' giải thưởng nhưng chưa hút khách". Trong số gần 150 giải được công bố tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA), Việt Nam đạt hơn 50 giải, chiếm hơn 30%. Số lượng giải thưởng Thái Lan đạt được là 5, Singapore và Malaysia 7; bằng 1/7-1/10 số giải thưởng của Việt Nam. Ngoài giải thưởng WTA, Việt Nam cũng được nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch nổi tiếng như CNN, Travel&Leisure, The Travel, Wanderlust, Tripadvisor nhiều lần vinh danh về ẩm thực, điểm đến, cảnh quan.
Thế nhưng số lượng giải thưởng không tỷ lệ thuận với lượng khách du lịch quốc tế. Trong tám tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế. Cùng giai đoạn, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đạt gần 22 triệu lượt, Singapore hơn 11,3 triệu lượt. Malaysia đón gần 12 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm. Những con số trái ngược đó đặt ra dấu hỏi về chất lượng thực tế của du lịch Việt.
Chỉ ra những vấn đề còn tồn tại của du lịch Việt, bạn đọc Trí nhấn mạnh: "Bao nhiêu năm rồi, cách làm du lịch của ta vẫn chưa đi vào thực chất. Công tác quảng bá rất rầm rộ ở những sự kiện giới thiệu sản phẩm du lịch, nhưng việc quản lý hoạt động thường ngày lại rất yếu kém. Người Việt cứ chăm chăm bám vào các tiêu chí nên việc đoạt thứ hạng cao tại các giải thưởng du lịch Thế giới là hoàn toàn không khó.
Thế nhưng, giải thưởng cao thì nhiều mà khách quốc tế vẫn ít thì chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại về chất lượng thực tế. Có những điều hết sức cơ bản nhưng lại không có trong bộ tiêu chí như: nạn chèo kéo, hét giá, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với khách du lịch. Và đó lại chính là những yếu kém cố hữu của du lịch Việt mà đến nay vẫn chưa được giải quyết triệu để".
Với những bình chọn món ăn, đồ uống "ngon nhất thế giới", cảnh đẹp "vào top nhất thế giới", độc giả Hưu: "Các nước chung quanh 'không thèm' tham gia những cuộc bình chọn này (dù là có uy tín quốc tế) vì họ đã có 'tiếng thơm' bay xa hàng chục năm nay. Đây là sự khác biệt rất lớn về tư duy, tầm nhìn và cách làm du lịch giữa VN và các nước láng giềng".
>> 'Đi nửa tiếng tìm quán bún bò khi du lịch Đà Nẵng'
Làm gì để cải thiện chất lượng du lịch Việt, xứng đáng với những danh hiệu đạt được, độc giả Minhtoanqt bình luận: "Những việc cần làm sau đây sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trển thế giới:
1. Kiên quyết xóa sổ nạn 'chặt chém' khách du lịch.
2. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đảm bảo. Tất cả quán ăn đều phải niêm yết giá. Nơi nào không chấp hành nghiêm túc, để khách du lịch tố giác, phải bị tước giấy phép kinh doanh.
3. Giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp.
4. Không để tình trạng tòa nhà, khu đất bỏ hoang tại các điểm du lịch; trang trí không gian xung quanh để thu hút khách.
5. Nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả phải chăng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Việt Nam có lợi thế rất lớn là bờ biển đẹp, phong cảnh núi non hữu tình, nên nếu để thua các nước khác về du lịch thì cần phải xem lại cách làm".
Đồng quan điểm, bạn đọc CrazyHand kết lại: "Tôi nghĩ cần phải cải thiện chất lượng phục vụ và phát triển mạnh hơn nữa những sản phẩm phục vụ du khách, như: đồ ăn, đồ uống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Cần đặt ra yêu cầu cao hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vấn đề chất lượng phụ vụ cũng cần được cải thiện, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên sâu để cung cấp cho du khách những thông tin du lịch hữu ích nhất, góp phần tạo trải nghiệm thân thiện cho khách quốc tế, tạo những ấn tượng tốt đẹp để họ quay lại thêm nhiều lần nữa".
Thành Lê tổng hợp
- 7 điều tôi mong để du lịch Hội An ngày càng tốt hơn
- Tôi mê mẩn du lịch Thái Lan vì giá cả ngày lễ cũng bằng ngày thường
- Chuyến du lịch mất vui sau 5 năm quay lại Sa Pa
- Đi du lịch Thái Lan nhiều hơn về quê
- Sao cứ bắt khách phải chịu giá cao khi du lịch dịp lễ, Tết
- Bật quạt, cởi trần giữa trưa Đà Lạt
Đăng thảo luận