Gần một năm qua, doanh thu ngành bia sụt giảm 6% trên cả nước, 11% tại 6 thành phố lớn do chính sách siết nồng độ cồn, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Tại hội thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8, bà Lê Minh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ (NIQ), cho biết năm 2022 ngành hàng bia hồi phục, tăng trưởng hai chữ số với việc mở cửa lại của các nhà hàng, quán ăn sau dịch Covid.
Song, theo bà Trang, sang năm 2023, do ảnh hưởng đến từ chính sách siết kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100, áp lực kinh tế, nhu cầu tiêu thụ của ngành hàng bia sụt giảm. "Trong 12 tháng gần đây, mức sụt giảm này là 6% trên cả nước và 11% tại 6 thành phố lớn, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và TP HCM", bà nói.
Thông tin về doanh thu ngành bia cũng được bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhắc tới. Theo đại diện VBA, những năm gần đây, doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận từ một đến hai con số.
"Lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm, khoảng 6-12% một năm trong giai đoạn 2021-2022, riêng năm ngoái là 10-12% so với trước", bà Vân Anh nói.
Đại diện VBA cũng cho hay việc các doanh nghiệp bia gặp khó khăn, giảm lao động cũng khiến thu ngân sách toàn ngành sụt bình quân 10% một năm trong 3 năm qua.
Ngoài ra, bà Lê Minh Trang cho rằng, doanh thu ngành bia sụt giảm còn do thói quen tiêu dùng thay đổi. Theo báo cáo nghiên cứu trong quý II của NIQ, 50% người tiêu dùng tại Hà Nội và TP HCM giảm chi tiêu không cần thiết như ăn uống tại các nhà hàng. Thay vào đó, họ tối ưu chi phí bằng việc nấu ăn tại nhà. "Sự thay đổi này khiến nhiều chuỗi nhà hàng, quán ăn liên tục sụt giảm doanh thu từ tháng 1/2023 đến nay", bà Trang cho biết thêm.
Bà Lê Minh Trang, Phó Giám Đốc Bộ phận Nghiên cứu Bán Lẻ, NielsenIQ phát biểu tại hội thảo, ngày 14/8. Ảnh: BTC
Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất với rượu, bia sẽ tăng theo lộ trình đến năm 2030. Trong đó, thuế với bia dự kiến tăng từ 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Với tác động của việc tăng thuế tiêu thu đặc biệt, theo dữ liệu dài hạn của NIQ, phân khúc giá bình dân có thể được giữ nguyên, đóng góp khoảng 55-60% sản lượng của ngành hàng này. Còn phân khúc cao cấp sẽ cần quan sát thêm.
Tuy nhiên, đại diện VBA cho rằng việc tăng thuế sẽ khiến doanh nghiệp trong ngành bia thêm khó khăn. Chưa kể, việc này sẽ dẫn tới nguy cơ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm trôi nổi, rẻ tiền, chất lượng kém hơn.
"Tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp, hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe người tiêu dùng", bà Vân Anh nói.
Thị trường bia trong nước hiện có 181 doanh nghiệp sản xuất tham gia, theo dữ liệu bán lẻ của NIQ. Trong đó, hơn 90% doanh thu, sản lượng thuộc về 4 nhà sản xuất lớn, gồm doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài.
Dù sụt giảm doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn gần đây, đại diện NIQ cho rằng Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng với ngành bia, bởi cơ cấu dân số vàng, thói quen tiêu dùng và giá sản phẩm cạnh tranh. Hiện, bia là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 8 nhóm ngành tiêu dùng nhanh của Việt Nam. Tỷ lệ này ở mức hơn 21% về doanh thu, cao hơn sữa, thực phẩm thiết yếu, đồ ăn vặt, chăm sóc nhà cửa, cá nhân.
Phương Dung
Đăng thảo luận