Hezbollah có thể đối phó ưu thế của Israel nhờ tổ chức linh hoạt, kho tên lửa lớn cùng mạng lưới đường hầm giúp ẩn náu, che giấu vũ khí.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 20/9 hạ sát Ibrahim Aqil, thủ lĩnh đơn vị đặc nhiệm Radwan của Hezbollah, cùng hơn 10 chỉ huy quan trọng trong cuộc tấn công vào khu vực ngoại ô thủ đô Beirut. Vài ngày sau, họ tiếp tục hạ chỉ huy lực lượng rocket và tên lửa Ibrahim Qubaisi cùng một số thành viên cấp cao của nhóm vũ trang Lebanon.
Israel cũng từng tuyên bố hạ sát một số chỉ huy khác của Hezbollah kể từ khi giao tranh biên giới tăng nhiệt hồi tháng 10/2023.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hôm 25/9 nói rằng Hezbollah đã phải hứng chịu thiệt hại khi "hàng loạt thành viên tinh nhuệ và cực kỳ quý giá" của nhóm bị hạ sát. "Tuy nhiên, đây không phải là kiểu tổn thất có thể khuất phục được họ", ông nói.
Các thành viên Hezbollah dự đám tang chỉ huy Ibrahim Aqil ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut, Lebanon, hôm 22/9. Ảnh: AFP
Hai nguồn tin quen thuộc với các hoạt động của Hezbollah tiết lộ nhóm đã chỉ định người thay thế Aqil cùng các chỉ huy cấp cao bị hạ sát. Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah hồi đầu tháng 8 khẳng định tổ chức này có khả năng nhanh chóng lấp đầy khoảng trống chỉ huy mỗi khi có thành viên cấp cao thiệt mạng.
Nguồn tin khác là thành viên Hezbollah cho biết loạt vụ nổ thiết bị liên lạc hồi tuần trước đã khiến nhóm vũ trang thiệt hại khoảng 1.500 tay súng, trong đó nhiều người mất tay hoặc mù mắt. Sự việc được coi là cú sốc với Hezbollah, nhưng thực tế chỉ ảnh hưởng phần nhỏ sức mạnh của nhóm vũ trang.
Báo cáo của Mỹ ước tính Hezbollah có khoảng 50.000 thành viên, gồm 30.000 quân thường trực và 20.000 tay súng dự bị. Thủ lĩnh Nasrallah hồi cuối năm 2021 tuyên bố Hezbollah có hơn 100.000 tay súng được huấn luyện bài bản.
Ba nguồn tin cho biết kể từ tháng 10/2023, Hezbollah đã tái bố trí lực lượng, đưa nhiều tay súng tới khu vực tiền tuyến ở miền nam Lebanon để pháo kích Israel nhằm ủng hộ đồng minh Hamas ở Dải Gaza. Họ cũng nhanh chóng chuyển rocket vào Lebanon nhằm chuẩn bị cho xung đột kéo dài, dù nhóm luôn tìm cách tránh kịch bản bùng phát chiến tranh toàn diện.
Nhà tài trợ và cung cấp vũ khí chính cho Hezbollah là Iran, nhóm vũ trang Lebanon cũng đóng vai trò trụ cột mạnh nhất trong "trục kháng chiến" do Tehran hậu thuẫn ở Trung Đông.
Andreas Krieg, giảng viên cao cấp tại Khoa Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Hoàng gia London, nhận định hoạt động của Hezbollah phần nào bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công vào tuần trước, nhưng cơ cấu tổ chức đặc biệt khiến họ rất bền bỉ và có sức chống chịu cao.
"Đây là đối thủ đáng gờm nhất mà Israel từng phải đối mặt trên chiến trường, không phải về số lượng hay công nghệ, mà là về khả năng phục hồi", ông nói.
Hezbollah hôm 25/9 phóng tên lửa đạn đạo vào Israel, tuyên bố mục tiêu là căn cứ tình báo Israel ở ngoại ô Tel Aviv, cách biên giới hơn 100 km. Nhóm vũ trang sau đó tiết lộ đã sử dụng tên lửa tầm ngắn Qader-1 với tầm bắn tối đa 190 km và mang được đầu đạn nặng 500 kg, chưa phải loại vũ khí mạnh và chính xác nhất của Hezbollah.
Các nguồn tin cho hay Hezbollah vẫn có thể phát động tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel vì mạng lưới chỉ huy vẫn hoạt động bình thường, dù nhóm đã trải qua thời gian hỗn loạn sau vụ nổ loạt thiết bị liên lạc.
Khả năng liên lạc của Hezbollah vẫn được duy trì nhờ mạng lưới điện thoại cố định chuyên dụng, vốn không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện gần đây. Nhiều tay súng cũng mang theo các mẫu máy nhắn tin cũ, không bị tác động bởi loạt vụ nổ tuần trước.
Nếu chuỗi chỉ huy bị phá vỡ, các tay súng Hezbollah ở tiền tuyến vẫn có khả năng phân chia thành từng nhóm nhỏ, hoạt động độc lập tại một số ngôi làng gần biên giới. Họ hoàn toàn có khả năng chiến đấu với lực lượng Israel trong thời gian dài.
Đây là những gì đã diễn ra trong cuộc đụng độ giữa Hezbollah và Israel hồi năm 2006, khi nhóm vũ trang Lebanon giao tranh với quân đội Israel suốt nhiều tuần ở các ngôi làng tiền tuyến.
UAV Hezbollah bị đánh chặn trên bầu trời phía bắc Israel ngày 25/8. Ảnh: AFP
Một trong những lý do khiến Hezbollah có thể đối đầu bền bỉ với Israel nằm ở khả năng cất giấu vũ khí.
Hezbollah được cho là sở hữu hệ thống kho vũ khí ngầm hùng hậu. Họ đã dành nhiều năm xây dựng mạng lưới đường hầm có thể kéo dài hàng trăm km. Mạng lưới này đã mở rộng đáng kể từ cuộc chiến năm 2006.
Nhóm từng công bố video cho thấy các tay súng lái xe tải chở bệ phóng rocket qua các đường hầm. Theo Krieg, các tên lửa tầm xa mạnh nhất của Hezbollah được cất giữ rất kỹ.
Theo các thành viên cấp cao Hezbollah, nhóm chỉ sử dụng phần nhỏ kho vũ khí trong cuộc xung đột với Israel gần một năm qua.
Sổ tay Dữ kiện Thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính Hezbollah đang sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rocket các loại, nhiều hơn hàng loạt quốc gia. Phần lớn trong số này là đạn pháo phản lực phóng loạt với tầm bắn dưới 100 km, nhưng cũng có nhiều loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo với tầm bắn hàng trăm đến 1.000 km.
Boaz Shapira, chuyên gia tại Alma, tổ chức nghiên cứu tại Israel chuyên về Hezbollah, nhận định Tel Aviv đến nay vẫn chưa nhắm vào các mục tiêu chiến lược của Hezbollah như kho tên lửa tầm xa và máy bay không người lái (UAV). "Tôi nghĩ còn lâu mới kết thúc được chiến dịch này", Shapira nói.
Hezbollah tung video khoe địa đạo giấu tên lửa, đe dọa IsraelHezbollah công khai video thể hiện quy mô địa đạo giấu tên lửa hồi tháng 8. Video: X/Iran Observer
Giới chức Israel nhận định cơ sở hạ tầng quân sự Hezbollah được kết nối chặt chẽ với các ngôi làng và cộng đồng dân cư ở miền nam Lebanon, đạn dược và bệ phóng rocket thường được cất trong những ngôi nhà trên khắp khu vực.
Thông tin về mạng lưới đường hầm của Hezbollah vẫn còn tương đối khan hiếm, nhưng nó được cho là thách thức lớn hơn nhiều so với địa đạo ở Dải Gaza, vốn khiến quân đội Israel chật vật đối phó suốt một năm qua. "Đây chắc chắn là vấn đề chúng tôi có thể phải đối mặt ở Lebanon", Carmit Valensi, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, nhận xét.
Theo Krieg, không giống như Gaza, nơi hầu hết các địa đạo được đào thủ công vào đất cát, những đường hầm ở Lebanon được đào sâu trong núi đá. "Chúng khó tiếp cận hơn nhiều so với ở Gaza và còn khó phá hủy hơn", ông cho hay.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Đăng thảo luận