Các đại gia Đông Âu là sếp ngân hàng chia sẻ gì khi gặp Thủ tướng?
(Dân trí) - Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, ông Đặng Khắc Vỹ và ông Hồ Hùng Anh đã có những đề xuất về các giải pháp tín dụng, khơi thông dòng vốn.
Chiều 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ đề xuất, kiến nghị một số nội dung như cần thúc đẩy quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ông, những chuyển biến thời gian vừa qua của thị trường bất động sản là khá tích cực, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: VGP).
Trình bày với lãnh đạo Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc, ông Vỹ cho hay hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn.
Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án mà quá trình này thường kéo dài. Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho các ngân hàng có hàm lượng cho vay bán lẻ có tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.
Ông đề xuất NHNN và Bộ Tài chính thường xuyên tham chiếu, so sánh với các nước phát triển và nước trong khu vực để yêu cầu tất cả các ngân hàng triển khai mạnh mẽ việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cũng là một trong những doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu. Chia sẻ tại hội nghị, ông đề xuất cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các ngân hàng (Ảnh: Nhật Bắc).
Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách để giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. Ngoài ra là cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết và cụ thể về tín dụng xanh để đảm bảo đồng nhất trong áp dụng và sự công bằng, minh bạch giữa các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng.
Ông cũng nêu cần đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.
Đăng thảo luận