Chuyên gia IFC hé lộ công cụ đánh giá giúp doanh nghiệp hút dòng vốn xanh
(Dân trí) - Đại diện IFC cho rằng các chủ đầu tư, doanh nghiệp cần có hành động cụ thể để dễ dàng tiếp cận dòng vốn xanh, bởi kinh tế xanh đang là xu hướng.
Sáng 27/3, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo liên quan đến chống chịu và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cho công trình xây dựng.
Theo IFC, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Đặc biệt, khoảng 300 khu vực đô thị ven biển, nơi cung cấp sinh kế cho lực lượng dân số đang đô thị hóa nhanh chóng và ngày càng tăng, phải chịu tổn thất nặng nề do nằm ở những vùng đất thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Mai, chuyên gia về tài chính khí hậu của IFC, cho biết hội thảo được tổ chức nhằm cập nhật việc áp dụng công cụ đánh giá chỉ số khả năng chống chịu của tòa nhà - Building Resilience Index (gọi tắt là BRI) do IFC phát triển tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Mai, chuyên gia về tài chính khí hậu của IFC. (Ảnh: Vĩ Quang).
Công cụ BRI giúp các nhà phát triển công trình, người mua nhà và các bên liên quan khác dễ dàng đánh giá, cải thiện và công bố khả năng chống chịu của một tòa nhà.
Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng thông qua bộ chỉ số, các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực, đủ uy tín để kêu gọi những dòng vốn xanh.
Đại diện IFC cho biết để tiếp cận được nguồn vốn xanh, các doanh nghiệp, chủ đầu tư cần có những hành động cụ thể, và cần có những chứng chỉ, bộ chỉ số công nhận. Những năm gần đây, bản thân các đơn vị cũng đã nhận thức được xu hướng chuyển đổi xanh.
Công cụ này hỗ trợ đẩy nhanh quá trình đánh giá công trình để nguồn vốn xanh được nhanh chóng giải ngân. Các quỹ, các ngân hàng cũng rất cần các bộ công cụ kỹ thuật như vậy để có thể đánh giá mức độ bảo vệ môi trường, mức độ "xanh" của doanh nghiệp.
Để các đơn vị có thể tiếp cận dễ dàng hơn với bộ chỉ số này, IFC đã phát triển nền tảng web, sử dụng khung lập bản đồ rủi ro thiên tai và đánh giá khả năng chống chịu để đánh giá những rủi ro khí hậu tại một địa điểm cụ thể cho các dự án bất động sản cũng như các biện pháp thích ứng đã được thực hiện.
Thông qua đó, các đơn vị có thể định hình được công trình của mình thuộc vị trí phải chịu những rủi ro, thảm họa thiên nhiên như thế nào. Sau khi định hình về các rủi ro phải đối mặt, bước tiếp theo cần làm là quản lý và có biện pháp ứng phó với những rủi ro đó.
Sau đó, đơn vị được đánh giá về mức độ rủi ro (báo cáo rủi ro) để từ đó nắm và cải thiện vị trí của mình trong bức tranh biến đổi khí hậu.
Đăng thảo luận