Những ngày tháng 10 năm 1954, cùng với lực lượng Quân đội, Nhân dân Thủ đô, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội - lực lượng tiên phong mở đường xâm nhập vào nội thành khi địch tạm chiếm, kiên cường trụ vững trên địa bàn, bền gan kháng chiến… để tiếp quản Thủ đô.
Thử thách và vinh quang
Với nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng là thử thách nặng nề được đặt trên vai các chiến sỹ Công an Hà Nội, đó là đập tan âm mưu âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao của quân đội Pháp. Lực lượng Công an Hà Nội bằng mọi cách phải giữ gìn được an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản công và tư, không để bị địch phá hoại, duy trì trật tự xã hội và đời sống bình thường trong thành phố.
Thành tích nổi bật và xuất sắc đầu tiên được ghi nhận của Công an Hà Nội là những tin, tài liệu chính xác cung cấp cho phái đoàn ta đấu tranh thắng lợi với phái đoàn Pháp ở Hội nghị Phủ Lỗ về trao trả tù binh, âm mưu tháo gỡ máy móc chuyển vào Nam, phản động phá hoại, gây rối khi ta vào tiếp quản. Việc vận động, đưa ra vùng tự do mấy trăm cảnh binh và sử dụng họ trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông khi mới tiếp quản thành phố; vận động thuyết phục hàng trăm viên chức các ngành trong bộ máy địch, nhất là số nhân sĩ trí thức ở lại không theo địch có ý nghĩa quan trọng về chính trị.
Lực lượng Công an tiếp quản Ty Cảnh sát thành phố (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệuTrong các ngày từ mùng 2 đến 4/10, hơn 400 cán bộ, nhân viên đã đến các nơi làm việc cùng phía Pháp, tiến hành kiểm kê ở từng cơ quan, công sở, từng công trình lợi ích công cộng để chuẩn bị bàn giao. Ngày 5/10, Đội Trật tự gồm 158 cán bộ và Công an trật tự có vũ trang vào nội thành để gặp đối phương làm các thủ tục chuẩn bị nhận bàn giao các quận, đồn cảnh binh, các cơ quan công an, cảnh sát, mật thám của Pháp và ngụy quyền…
Ngày 9/10, đợt tiến quân thứ nhất của bộ đội theo 5 hướng vào tiếp quản thành phố, do các tổ tự vệ - Công an nội thành dẫn đường. Song song với cuộc tiến quân tiếp quản nội thành, ở ngoại thành, các đội hành chính trật tự cùng với các đơn vị bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận hành chính của ngụy quyền Bảo Đại gồm Quảng Bá, Cầu Giấy, Quỳnh Lôi và Ngã Tư Sở. Từng công sở, xí nghiệp, vị trí quân sự; từng thôn xã, đường phố được tiếp quản đến đâu thì bộ đội, công an, tự vệ và công nhân cùng lực lượng hành chính của Ủy ban Quân chính triển khai ngay việc canh gác, tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, quản lý tài sản nghiêm ngặt.
Đêm hôm đó, lệnh giới nghiêm của Uỷ ban quân chính thành phố được mọi người nghiêm chỉnh chấp hành. Đó là một đêm giới nghiêm thật đặc biệt, bởi mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh với những lo âu, cửa từng nhà đóng kín. Chỉ sau đó ít phút, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt. Đường phố sáng rực những dây đèn, kết hoa, cờ bay phấp phới, nhân dân không ai ra khỏi nhà nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có công an, tự vệ tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé với nụ cười trìu mến.
Đã hơn ba nghìn ngày đêm, kể từ tháng 9/1945 quân Tưởng vào rồi tháng 3/1946 quân Pháp đến, Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược, nên ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng.
Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Những chiến sỹ trinh sát Công an Bắc Bộ, Công an xung phong, Cảnh sát xung phong và Cảnh sát trật tự… tham gia cuộc mít tinh và duyệt binh long trọng tại Sân vận động Cột Cờ cùng với những chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô, Liên khu I, chiến sỹ Trung đoàn An Giao và Liên khu 2 và hai mươi vạn nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng từng đoàn quân chiến thắng trở về…
Lực lượng Công an Hà Nội tiếp quản Ty cảnh sát và giữ gìn được an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản công và tư, không để bị địch phá hoại, duy trì trật tự xã hội. Ảnh tư liệuTrong ngày hôm đó, lực lượng Công an Hà Nội được sự chỉ đạo của Bộ Công an đã chính thức tiếp quản Sở mật thám, Sở Cảnh sát, Trại giam Hỏa Lò và các quận, đồn cảnh sát của địch. Khi vào tiếp thu, chiếm lĩnh đã tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thay vào đó là bộ máy tổ chức Công an cách mạng; đồng thời bảo vệ, quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện trong các cơ quan. Nha Công an Cảnh sát Bắc Việt tại trụ sở 87 Gambetta (Trần Hưng Đạo) đổi thành Sở Công an Hà Nội.
Tưng bừng trong không khí tự do nhưng nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội của lực lượng Công an Hà Nội còn rất nặng nề. Kẻ địch trước khi rút đi đã để lại cho ta không chỉ có các loại tệ nạn xã hội mà còn là mạng lưới gián điệp địch ẩn nấp, bọn đảng phái phản động, các phần tử phản động đội lốt tôn giáo và không ít bọn tội phạm hình sự.
Đồng thời, Công an Hà Nội còn phải tiếp thu lưu dung hàng nghìn cảnh binh, nhân viên công an ngụy. Cũng thời gian này, Công an Hà Nội gấp rút chuẩn bị cho công tác đăng ký nhân hộ khẩu toàn thành phố. Nhờ triển khai đồng bộ các mặt công tác trong thời gian tiếp quản cùng sự nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô, chỉ trong vòng một tháng sau tiếp quản, các mặt công tác, các lực lượng trong công an đã được triển khai khai đi vào hoạt động, nhanh chóng ổn định an ninh, trật tự cho Thủ đô mới giải phóng...
Những ký ức hào hùng !
Trong niềm hân hoan chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, vừa qua Công an TP Hà Nội đã tổ chức Chương trình chính luận nghệ thuật “Ký ức Tháng Mười – Khát vọng vì Thủ đô bình yên” tại khu vực Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên trụ sở Công an TP Hà Nội, số 87 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) mà còn là dịp để các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô ôn lại những trang vàng lịch sử vẻ vang đã qua, lắng nghe chia sẻ của những chứng nhân lịch sử. Đây cũng là hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng quan trọng, góp phần khơi dậy và bồi đắp tinh thần tự hào, khát vọng cống hiến trong mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an TP vì Thủ đô bình yên.
Chương trình chính luận nghệ thuật “Ký ức Tháng Mười – Khát vọng vì Thủ đô bình yên”.Nhớ lại những ngày tháng Mười lịch sử cách đây 70 năm khi tiến về tiếp quản Thủ đô, đồng chí Trần Đức Thành - nguyên cán bộ Công an Hà Nội xúc động: “Năm ấy trong không khí rộn rã tưng bừng của ngày giải phóng, lực lượng Công an vẫn không quên nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, không chỉ đấu tranh với các thế lực gián điệp, phản động, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội và những tàn dư hệ lụy mà quân địch để lại...và điểm nhấn là chuyên án C30 chống phản gián. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, lực lượng Công an Hà Nội đã nhanh chóng ổn định trật tự, triển khai đồng bộ công tác hộ khẩu cho người dân toàn thành phố và từng bước tái thiết đời sống mới cho người dân”.
Đồng chí Lê Nguyên Diệu là cán bộ lão thành khác của Công an Hà Nội lại không thể nào quên hình ảnh Hà Nội ngày giải phóng tràn ngập cờ hoa, khẩu hiệu, cả rừng người ùa ra ôm chặt đoàn quân giải phóng, hô vang tên Bác, hoan hô chiến sĩ trở về. Sự trở về ấy đã được đánh đổi bằng xương máu và nước mắt để rồi những người chiến sĩ Công an Hà Nội đã dần tích lũy các biện pháp nghiệp vụ quý báu trên hành trình tiếp theo giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ kỷ niệm tham gia tiếp quản Thủ đôLà người trực tiếp tham gia tiếp quản Thủ đô, đồng chí Nguyễn Hồng Minh, chia sẻ, ngày 10/10/1954, ông là học viên của trường công an trung ương, được lệnh về tiếp quản Thủ đô. Đón nhận tình cảm của người dân Thủ đô với cán bộ tiếp quản đã tạo sức mạnh cho ông cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với ông, đó là kỷ niệm sâu sắc, là giây phút thiêng liêng, quý giá không bao giờ quên. Sau này khi đất nước đã giành được độc lập, ông vẫn luôn mong ước rằng, lực lượng công an sẽ không ngừng lớn mạnh, không ngừng phát triển, xứng đáng là "thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Thủ đô...
Đến nay, trải qua 70 năm song hành cùng Thủ đô, cùng với Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội, những cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô đã trở thành những người lính xung kích, sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy, gian khổ, vì sự bình yên của Thủ đô - trái tim thân yêu của Tổ quốc.
Ghi nhận những nỗ lực và thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Công an Thành phố 1 Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 31 đơn vị trực thuộc và 12 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; gần 3.300 lượt tập thể, cá nhân được tặng Huân chương các hạng.
#box1728488945209{background-color:#c1f0c5}
Đăng thảo luận
2024-12-23 20:25:32 · 来自61.237.78.7回复
2024-12-23 20:45:43 · 来自36.61.4.7回复
2024-12-23 20:56:07 · 来自123.233.172.128回复
2024-12-23 21:05:56 · 来自139.203.62.101回复
2024-12-23 21:16:17 · 来自171.11.89.25回复