“Bố mất, mẹ đưa em bỏ đi, con chỉ có bà nội thôi”
Giữa cái nắng gay gắt của tiết trời tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà em Phan Trần Như Quỳnh (SN 2015), học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Quang Diệm. Căn nhà nhỏ đã xuống cấp nằm chơ vơ bên sườn dốc thuộc xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - là nơi Quỳnh và bà nội dựa vào nhau sống qua ngày.
Bà Trần Thị Hoa (SN 1964) - nội của Quỳnh năm nay đã ngoài 60 tuổi. Năm tháng cuộc đời mình bà vất vả nuôi 4 người con khôn lớn. Giờ đây, khi lưng bà đã còng, tóc bà đã bạc và đôi mắt cũng dần nhòa đi theo năm tháng, bà vẫn còn vất vả vì chăm sóc cháu nội sau khi con trai qua đời.
Hai bà cháu sống trong ngôi nhà xây tạm đang dần xuống cấp. Ảnh: Hồng Duyên
Nghĩ về người con trai đã khuất, bà Hoa rơi những giọt nước mắt đầy xót xa. Hai năm trước, con trai bà vì tai nạn giao thông không qua khỏi. Anh ra đi, để lại vợ, con nhỏ cùng người mẹ già.
“Tôi tự hỏi kiếp trước tôi đã làm gì nên tội để kiếp này, ông Trời lại sớm cướp mất con trai của tôi. Lúc nó đi, con gái nó còn chưa biết khóc bố. Tôi chỉ biết ôm lấy cháu, thương con, thương cháu nhưng không biết làm thế nào” - bà Hoa nước mắt giàn giụa kể.
Bà Hoa khóc nghẹn khi nhắc đến người con xấu số và hoàn cảnh gia đình. Ảnh: Hồng Duyên
Không lâu sau đó, con dâu bà Hoa dắt theo cháu nhỏ (em của Quỳnh) đi xa xứ, bỏ lại Quỳnh với vô vàn nỗi nhớ mong. Mới 7 tuổi, Quỳnh đã phải chịu cảnh côi cút.
“Bố mất rồi, mẹ không thương con nữa, giờ con ở với bà nội thôi. Bà nội thương con nhiều hơn” - Quỳnh nức nở nói.
Giờ đây, với Quỳnh, bà nội vừa là người thân, vừa là chỗ dựa duy nhất. Có lúc hai bà cháu nằm tâm sự, Quỳnh kể cho bà nghe những giấc mơ tuyệt vời, giấc mơ đó có cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm, có hình ảnh bố đưa đón em đi học. Nước mắt em cứ thế trào ra: “Con hay mơ thấy bố, bố đưa con đi học, bố bế rồi ôm con vào lòng nhưng mở mắt ra không thấy bố đâu nữa. Con muốn được gặp bố, con nhớ bố”.
Con trai mất, con dâu bỏ đi, bà Hoa gồng mình nuôi cháu nội. Ảnh: Hồng Duyên
Những lúc như thế, bà Hoa chỉ đành ôm đứa cháu nhỏ tội nghiệp, mắt đỏ hoe, cố giấu đi những giọt nước mắt. Bà sợ đến ngày bà không trụ vững, bà sợ cháu bà phải chịu cảnh sống bơ vơ không nơi nương tựa.
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh hai bà cháu bà Hoa, ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Quang Diệm cho biết thêm: “Con trai bà Hoa mất vì tai nạn giao thông, để lại đứa con gái nhỏ cho bà chăm. Gia đình bà Hoa thuộc hộ nghèo, bà già cả, ốm yếu không còn đủ sức lo cho cháu, cuộc sống rất vất vả. Chính quyền địa phương động viên thăm hỏi, quan tâm bà cháu nhưng cũng chỉ được một phần nào đó. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ giúp bà cháu vượt qua khó khăn”..
Gom ve chai phụ bà kiếm tiền
Trong căn nhà nhỏ xây tạm đang xuống cấp, hai bà cháu Quỳnh nương tựa nhau, sống dựa vào tình thương của hàng xóm láng giềng. Thỉnh thoảng, 3 cô con gái của bà cũng phụ giúp nhưng gia cảnh nghèo khó nên chỉ đỡ được một phần.
Tuổi già, những khi trái gió trở trời, chân đau nhức, đi đứng khó khăn lại thêm chứng cao huyết áp nên càng chật vật hơn.
Với Quỳnh, bữa cơm ngon nhất không phải là bữa cơm có thịt mà là bữa cơm được ăn cùng bà. Cơm canh với dưa chua em ăn đã quen, cũng không hề than vãn hay đòi hỏi thêm. Nhiều hôm thiếu cơm, hai bà cháu chia nhau gói mì. Cuộc sống tuy thiếu thốn vật chất nhưng đủ đầy tình cảm bà cháu.
Bà nội là người đồng hành, cũng là chỗ dựa duy nhất của Quỳnh. Ảnh: Thùy Linh
Nhắc đến bà, Quỳnh nói với giọng run run: “Con sợ bà bị ốm lắm. Con không mong gì cả, con chỉ muốn bà khỏe để sống thật lâu với con, giờ con chỉ còn có bà thôi. Con rất thương bà”.
Còn với bà Hoa, giờ đây, mọi sự cố gắng đều vì đứa cháu nhỏ côi cút: “Nhiều khi đau ốm nhưng nghĩ đến đứa cháu nhỏ, tôi lại phải gồng mình lên”.
Hiểu được tình thương của bà, Quỳnh luôn ngoan ngoãn, cố gắng học tập. Ở nhà, em nấu cơm, giặt giũ, đỡ đần việc nhà giúp bà và tranh thủ nhặt ve chai. Từng chai nhựa đến vỏ lon, tất cả được em gom lại dành dụm để bán giúp bà kiếm thêm chút thu nhập.
“Đi học về thấy cái chai nào là con nhặt, đem về bỏ một góc ở nhà để bán. Mỗi túi được 10 nghìn đồng, con cho hết vào lợn đất. Tiền đó để giành mua thuốc cho bà với mua đồ dùng học tập” - Quỳnh chia sẻ.
Ngoài giờ học, Quỳnh tranh thủ nhặt ve chai kiếm tiền. Ảnh: Thùy Linh
Dù gia cảnh nghèo khó nhưng Quỳnh rất ham học, luôn được nhận xét là một học sinh chăm ngoan, học giỏi. Hai năm liền, Quỳnh đều đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu, hoàn thành tốt các hoạt động trong học tập và rèn luyện. Quỳnh chia sẻ bà chính là nguồn động lực, em mong muốn học thật giỏi, đạt được nhiều thành tích để bà vui lòng.
Dành lời khen cho cô học trò đáng thương của mình, chị Bùi Thị Khuyên - Giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Quang Diệm chia sẻ: “Như Quỳnh là một học sinh chăm ngoan, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Hoàn cảnh của em rất đáng thương, nhà trường cũng như các thầy cô giáo luôn dành sự hỗ trợ, ưu ái với em. Vừa qua, chúng tôi đã quyên góp, trao tặng em một chiếc xe đạp nhỏ, coi như là món quà động viên tinh thần. Rất mong hai bà cháu nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm trên cả nước”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Bà: Trần Thị Hoa, ở thôn Tân Sơn, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Số điện thoại bà Hoa: 0384.981.733
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.
Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 9724
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận