Xung đột tại Gaza, bắt đầu vào ngày 7/10 năm ngoái, đã tạo ra những thảm kịch khủng khiếp, khiến hơn 41.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 100 công dân Israel bị bắt làm con tin và hủy hoại phần lớn Dải Gaza.
Kỷ niệm một năm xung đột diễn ra, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn trên khắp châu Âu để thể hiện sự ủng hộ đối với Palestine và kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Hàng ngàn người biểu tình tại Vương quốc Anh. Ảnh: Asian LiteTại Rome (Ý), hàng nghìn người đã tham gia biểu tình ôn hòa. Song cuộc biểu tình đã xảy ra căng thẳng khi một nhóm nhỏ người biểu tình cố gắng tiến vào trung tâm thành phố bất chấp lệnh cấm từ chính quyền địa phương, lo ngại về an ninh. Nhóm người biểu tình này đã ném đá, chai lọ và pháo vào cảnh sát. Cảnh sát đã buộc phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Ít nhất 30 cảnh sát và 3 người biểu tình đã bị thương. Tuy nhiên, phần lớn cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình với những khẩu hiệu như "Giải phóng Palestine" và "Chấm dứt xung đột ngay lập tức".
Tại London (Vương quốc Anh), hàng ngàn người biểu tình đã diễu hành qua Phố Downing trong bầu không khí căng thẳng khi những người ủng hộ Palestine và Israel cùng xuất hiện. Các cuộc xô xát nổ ra khi cảnh sát cố gắng ngăn cản những người biểu tình vượt qua hàng rào chắn. Cảnh sát TP này cho biết ít nhất 17 người đã bị bắt vì các vi phạm như gây rối trật tự công cộng, tổ chức các cuộc biểu tình bị cấm và hành vi tấn công.
Ở Madrid (Tây Ban Nha), hàng ngàn người đã xuống đường yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza. Cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, không có xô xát với lực lượng cảnh sát. Enrique Quintanilla, đại diện nhóm 'Giải trừ vũ khí Madrid', phát biểu: "Hàng ngàn người đã thiệt mạng ở Gaza và Lebanon. Chúng ta phải chấm dứt tình trạng này ngay lập tức."
Tại Hamburg (Đức), khoảng 950 người tham gia biểu tình trong bầu không khí hòa bình, vẫy cờ Palestine và Lebanon, đồng thời hô vang khẩu hiệu "Ngừng hành vi diệt chủng". Ngoài ra, hai cuộc biểu tình nhỏ hơn ủng hộ Israel cũng diễn ra mà không xảy ra sự cố.
TP Belgrade (Serbia) chứng kiến khoảng 200 người đã tham gia biểu tình, kêu gọi "Giải phóng Palestine" và phản đối việc chính phủ Serbia xuất khẩu vũ khí sang Israel. Người tổ chức cuộc biểu tình, Mihajlo Nikolic, cho biết kể từ ngày 7/10 năm ngoái, giá trị vũ khí mà Serbia xuất khẩu sang Israel đã lên tới ít nhất 20 triệu euro.
"Chúng tôi phản đối việc xuất khẩu vũ khí này" - ông Nikolic nhấn mạnh.
Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine cũng dự kiến diễn ra tại nhiều quốc gia khác trên khắp châu Âu, bao gồm Hy Lạp, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Sĩ.
Lực lượng an ninh ở nhiều quốc gia đã cảnh báo về nguy cơ khủng bố và các cuộc biểu tình bạo lực trước nguy cơ xung đột ở Trung Đông lan rộng. Chính quyền nhiều TP lo ngại cuộc chiến kéo dài có thể làm tăng nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố.
Kéo dài trong hơn một năm, xung đột tại Gaza để lại những tác động sâu rộng không chỉ đối với các bên liên quan mà còn với cộng đồng quốc tế. Các cuộc biểu tình tại châu Âu phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng về xung đột này cũng như một kêu gọi mạnh mẽ về hòa bình và ngừng bắn. Mặc dù các nỗ lực quốc tế đang được triển khai nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, tình hình vẫn tiếp tục bế tắc, khi cả hai bên vẫn chưa tìm được con đường hòa bình bền vững.
Đăng thảo luận