(NLĐ)- Người lao động mong muốn lương hưu có thể đáp ứng được những chi tiêu bắt buộc như ăn uống, điện nước…

Luật BHXH năm 2024 đã được Quốc hội thông qua với nhiều thay đổi về chế độ hưu trí như giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu nhằm tạo điều kiện cho những người tham gia muộn tiếp cận lương hưu dễ dàng hơn. Song nhiều ý kiến cho rằng cách tính lương hưu hiện nay vẫn thiếu tính chia sẻ.

Bà Phan Thị Dung, công nhân làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở KCN Tân Bình cho biết bà đã đóng BHXH liên tục 24 năm qua. Vì mong muốn có lương hưu nên bà chưa từng nghĩ đến việc rút BHXH một lần. Còn hơn 4 năm nữa, bà đến tuổi nghỉ hưu. Khi ấy bà sẽ tham gia được khoảng 29 năm BHXH, tỉ lệ hưởng hưu gần đạt mức tối đa song bà vẫn chưa hẳn yên tâm về tuổi già của mình. 

Nguyên do là cách tính lương hưu với người lao động ở khu vực doanh nghiệp là bình quân cả quá trình tham gia BHXH, thời gian đầu khi tham gia BHXH, mức tiền lương đóng BHXH của bà rất thấp, chỉ chưa đến 100.000 đồng, chênh lệch quá lớn so với mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hiện tại (hơn 6 triệu đồng). Nếu chia cho cả quá trình thì dù đạt tỉ lệ hưởng hưu tối đa, lương hưu của bà cũng ở mức thấp.

 Đóng BHXH suốt 30 năm, người lao động mong đợi gì ở chế độ hưu trí? 第1张

Người lao động mong muốn lương hưu ngày càng được cải thiện, tiệm cận mức tiền lương tối thiểu vùng

Vì điều này mà bà Dung không kỳ vọng quá lớn vào lương hưu. "Những năm trước nghỉ hưu tôi sẽ cố gắng tiết kiệm để có khoản tích lũy. Về phần lương hưu, tôi chỉ mong mức lương hưu đảm bảo được một số nhu cầu tối thiểu như điện, nước, một phần tiền ăn"- bà Dung cho hay.