Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Thiếu giáo viên cục bộ là một trong những khó khăn của nền giáo dục .Ảnh: TẤN THẠNH
Theo Kết luận số 91-KL/TW, để phát huy những thành tựu, hiệu quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về GD-ĐT.
Bộ Chính trị yêu cầu tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi GD-ĐT là "quốc sách hàng đầu"; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Hai là, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về GD-ĐT, tháo gỡ những điểm nghẽn…
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên.
Bốn là, tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GD-ĐT...
Năm là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT.
Sáu là, phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.
Bảy là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD-ĐT; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 29-NQ/TW đã đề ra. Kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế...
Tám là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...
Đăng thảo luận