Thiệt hại tiền tỷ, cần chục năm để tái thiết
Đứng trên triền đê sông Hồng nhìn xuống, cả cánh đồng cây cảnh hàng trăm héc ta của người dân xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) xơ xác, hoang tàn. Cả cánh đồng bao phủ một màu trắng đục của bùn đất bám vào những lá cây khô héo.
Lác đác trên cánh đồng, nông dân đang nhặt cây khô để đốt đi, như muốn xóa hết sự mất mát, thiệt hại không thể đong đếm được, cố gượng dậy tái thiết ruộng vườn. Nhiều người dân Phụng Công chia sẻ, khi lũ lên, họ đứng trên bờ đê nhìn xuống, thấy vườn cây của mình bị ngập nhưng bất lực. Chỉ trong vài giờ, lũ tràn trắng xóa cả cánh đồng. Nước ngập 4 ngày là 4 ngày nhiều người tê tái. Nhiều người gào khóc vì toàn bộ tài sản đã bị lũ nhấn chìm.
Trên thửa đất trồng cây trà đã khô héo, chị Nguyễn Thị Quyên (45 tuổi, thôn Bến, xã Phụng Công) đang dọn dẹp những cây khô héo. Chị bảo, muốn làm nhanh để tránh việc mỗi hôm ra đồng, thấy cây héo queo lại xót xa thêm. Chị trồng trà cổ và xen canh hoa nhài nhật. Đây là những cây có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường hoa Tết. Bình quân, mỗi sào trà chị đầu tư khoảng 100 triệu tiền giống, phân bón và bao nhiêu công sức nhưng nay mất trắng. “Tôi đang tính cải tạo lại đất rồi trồng cây ngắn ngày phục vụ dịp Tết sắp tới. Mình không thể cứ tiếc của rồi ngồi than vãn được, phải đứng lên để làm lại. Ra Tết sẽ tính chuyện vay vốn, tái trồng cây cảnh lâu năm, có giá trị cao”, chị Quyên chia sẻ.
Từ thôn Bến, chúng tôi ngược thôn Đầu (cũng thuộc xã Phụng Công). Trong cái nắng cháy da, cháy thịt lúc một giờ chiều, nông dân đã ra đồng để dọn dẹp, làm đất để trồng lứa cây cảnh mới. Ông Phạm Văn Ánh (57 tuổi) và vợ đang lựa chọn những viên gạch còn nguyên vẹn của bức tường bị lũ đánh sập, để xây bức tường mới cho khu vườn. Ông Ánh cho biết, trận lũ vừa qua đã “giết” 2 sào cây cảnh quý của ông. Cây ông trồng là trà, ngọc lan cổ, có giá trị. Nếu tính giá thành hiện tại, 2 sào cây cảnh trà cổ có thể mang về doanh thu 1 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Quyên dọn dẹp những cây khô để đốt đi, đỡ thấy xót xa mỗi khi ra vườn
Ông Ánh cho biết: “Trước đây, những việc chân tay tôi không phải đụng tay, đụng chân. Nhưng giờ cây cảnh mất hết, phải tự tay cải tạo lại vườn, mua giống về trồng. Ngày trước, tôi chú tâm vào công việc chăm sóc, lai tạo phát triển các giống cây cổ của Phụng Công. Mọi việc làm đất, vận chuyển cây, tôi đều thuê người làm. Nay thiệt hại lớn quá, cụt cả vốn, cùng với đó công lao động tăng lên 700 nghìn đồng/ngày, tôi không gánh nổi. Vợ chồng đành cố gắng làm để tiết kiệm chi phí”.
Đề nghị ngân hàng hoãn, giãn nợ cho vay mới
Để tái sản xuất, phục hồi diện tích cây cảnh của Phụng Công, ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phụng Công cho hay, trước mắt, UBND xã đề nghị người dân dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ruộng đất; sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật và canh tác những cây cảnh ngắn ngày, giúp người dân có thu nhập vào cuối năm.
“Để tái thiết cánh đồng cây cảnh Phụng Công, địa phương đang đề nghị các ngân hàng hoãn, giãn nợ cho người dân, tiếp tục cung cấp tín dụng, tăng hạn ngạch cho người dân vay vốn tái đầu tư sản xuất. Đồng thời, UBND xã phối hợp với viện nghiên cứu cây giống khôi phục nguồn gen các loại cây cảnh quý bản địa”, ông Trị đề xuất.
Anh Chử Văn Biên (50 tuổi, thôn Đầu) đang áp dụng kỹ thuật, kinh nghiệm cố gắng cứu vườn cây trà cổ từ 30 năm trở lên bị ngập nước. Hiện nay, anh không thống kê được thiệt hại, chỉ chú tâm vào cứu những cây trà quý.
Người dân ở Phụng Công những ngày này đang bắt tay vào tái thiết, xây dựng lại làng cây cảnh. Ông Phạm Văn Ánh, nông dân trồng cây cảnh ở thôn Đầu, xã Phụng Công cho hay, người Phụng Công từ xưa đến nay rất rắn rỏi, chịu thương, chịu khó nên trước mất mát này họ vẫn sẽ phục hồi rất nhanh. “Để làm cho màu xanh trở lại thì rất dễ, chỉ 5 tháng, cánh đồng sẽ xanh mướt và đầy hoa thơm. Nhưng khó nhất là phục hồi những giống trà, ngọc lan cổ thì phải mất 5 năm, thậm chí hàng chục năm”, ông Ánh bộc bạch.
Cảnh hoang tàn của làng cây cảnh lớn nhất miền Bắc
Anh Đỗ Mạnh Cường (50 tuổi, thôn Đầu, xã Phụng Công) chia sẻ, ngoài việc chịu thương chịu khó, người Phụng Công bao đời trồng cây cảnh, ai cũng có của ăn, của để; vậy nên, nếu không nợ nần, ít người rơi vào cảnh khốn khó. Khó khăn nhất là người dân phải bỏ rất nhiều công, nhiều của để phục hồi hoàn toàn cánh đồng cây cảnh.
Không còn đê bối, thấp thỏm lo âu
Trong câu chuyện tái thiết làng cây cảnh Phụng Công, người dân không quên mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến trận lũ lịch sử mà hơn 50 năm mới lặp lại. Theo người dân Phụng Công, ngoài nguyên nhân nước lũ dâng lên nhanh do mưa lớn từ thượng nguồn, thì một nguyên nhân khiến họ trở tay không kịp là việc địa phương phá đê bối (đê nằm ngoài đê chính, bảo vệ làng mạc, ruộng đồng ở bãi sông) để làm dự án bất động sản.
Ông Phạm Văn Ánh chỉ tay về phía bờ sông rồi ngậm ngùi nói, con đê bối đã ngăn chặn biết bao trận đại hồng thủy bảo vệ cây cối, hoa màu cho dân Phụng Công. Nay, đê bối bị san phẳng khiến bao người dân nơi đây bức xúc, nhưng không làm gì được. “Để phát triển làng cây cảnh Phụng Công bền vững, tránh những điều đáng tiếc như hôm nay, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương phục hồi lại đê bối, giúp nhân dân yên tâm sản xuất”, ông Phạm Văn Ánh đề nghị.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội nông dân xã Phụng Công cho biết, diện tích trồng cây cảnh của làng Phụng Công phía ngoài đê chính khoảng 130 héc ta. Lũ lớn vừa qua gây thiệt hại 90% diện tích cây cảnh; ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 800 triệu đồng/héc ta. Thiệt hại do lũ gây ra không chỉ về kinh tế, mà còn thiệt hại về nguồn gen của 6 loại hoa trà cổ bản địa.
Đối với việc ngăn lũ, giúp phát triển làng cây cảnh Phụng Công phát triển bền vững, ông Nguyễn Quốc Trị Chủ tịch Hội Nông dân xã Phụng Công cho rằng, việc phá đê bối là sai lầm, cần phục hồi. Ông Trị nói, phá đê bối là chủ quan, vì bao năm nước lũ sông Hồng không lên cao, nên địa phương hạ độ cao của đê phục vụ dự án bất động sản. “Bao thế hệ người dân ở đây bỏ công sức đắp, chăm chút đê bối như con đê chính, vì lũ lụt, thiên tai không ai tính trước được. Nếu đê bối còn, thì thiệt hại trong trận lũ vừa qua sẽ giảm đi rất nhiều, người dân có đủ thời gian di chuyển những cây có giá trị đến nơi an toàn”, ông Trị buồn rầu chia sẻ.
Xem nhiềuXã hội
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng nhiều lãnh đạo viếng phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thế giới
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam
Xã hội
Sáp nhập huyện, xã 13 tỉnh: Có 3 huyện, 67 xã đề nghị không sắp xếp do yếu tố đặc thù
Xã hội
Ông Hoàng Đăng Cương được bổ nhiệm Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình
Xã hội
Đăng thảo luận