Một số chủ đầu tư cố tình chây ì không bàn giao quỹ bảo trì đã trở thành ngòi nổ cho nhiều cuộc tranh chấp kéo dài tại các chung cư
Ở chung cư Diamond Riverside (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP HCM), cư dân bức xúc về việc Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Công ty 577) - chủ đầu tư - "chiếm dụng" hàng chục tỉ đồng quỹ bảo trì.
Chuyển tiền nhỏ giọt
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Ban Quản trị chung cư Diamond Riverside) cho hay năm 2020, bà và nhiều người khác ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty 577. Sau khi cư dân vào ở, bầu ban quản trị, chủ đầu tư sẽ bàn giao hơn 48 tỉ đồng quỹ bảo trì chung cư. Thế nhưng, đến nay ban quản trị mới nhận được hơn 12 tỉ đồng sau 8 đợt chuyển tiền. Trong khi đó, hệ thống thiết bị kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy và các hạng mục xây dựng của tòa nhà đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng dù mới đưa vào sử dụng hơn 4 năm. "Hiện chung cư nợ hơn 1 tỉ đồng tiền tu bổ một số hạng mục... Nếu không thanh toán, nhà thầu sẽ dừng thi công, việc này sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn của cư dân" - bà Dung nói.
Theo bà Dung, tháng 3-2024, Phòng Quản lý đô thị quận 8 tổ chức cuộc họp giữa ban quản trị, chủ đầu tư và các bên liên quan. Công ty 577 cam kết trước ngày 30-4 sẽ chuyển 10 tỉ đồng và trước ngày 31-12 sẽ chuyển số tiền còn lại. "Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không chuyển giao bất kỳ khoản tiền nào như đã cam kết" - bà Dung bức xúc.
Tháng 6-2024, Sở Xây dựng TP HCM có công văn gửi UBND quận 8 đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền về việc chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì chung cư.
Mấy tháng qua, cư dân chung cư Topaz Home 2 - block B (phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP HCM) cũng liên tục kêu cứu vì Công ty CP Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại Thuận Kiều (Công ty Thuận Kiều) - chủ đầu tư - chưa bàn giao gần 12 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi suất) quỹ bảo trì theo quy định. Tháng 10-2022, ban quản trị có văn bản yêu cầu Công ty Thuận Kiều bàn giao hồ sơ pháp lý và quỹ bảo trì nhưng không có kết quả. Thời gian qua, một số hạng mục hạ tầng như thang máy, hệ thống bơm nước, máy phát điện, gạch lát sân… bị hư, xuống cấp nhưng không có tiền bảo trì, sửa chữa đã ảnh hưởng đến hơn 600 hộ dân sinh sống tại chung cư. Đáng nói, hệ thống phòng cháy chữa cháy không được bảo trì nên thường xuyên báo cháy giả vì hư hỏng nặng.
Ngày 31-7, UBND TP Thủ Đức đã có quyết định cưỡng chế buộc Công ty Thuận Kiều bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị chung cư theo quy định. Cuối tháng 8-2024, chủ đầu tư mới chuyển hơn 5,3 tỉ đồng quỹ bảo trì chung cư vào tài khoản của ban quản trị. Ban quản trị chung cư cũng đã có đơn gửi UBND TP Thủ Đức, yêu cầu công ty phải thực hiện đầy đủ quyết định cưỡng chế và công khai số liệu, chứng từ liên quan.
Công ty CP Hiệp Phú Land, chủ đầu tư chung cư Saigon Gateway, chưa bàn giao quỹ bảo trì với số tiền hơn 32 tỉ đồng Ảnh: QUỐC ANH
Chây ì
Tập thể cư dân chung cư Saigon Gateway (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị thanh tra, kiểm tra pháp lý dự án, trong đó vấn đề nổi cộm là bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Theo đó, dự án có hơn 930 căn hộ, cư dân nhận căn hộ và ở từ năm 2019, hiện nay có hơn 3.200 người sinh sống thường xuyên. Từ năm 2022 đến nay, ban quản trị chung cư có nhiều văn bản gửi chủ đầu tư là Công ty CP Hiệp Phú Land đề nghị bàn giao quỹ bảo trì với số tiền hơn 30 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi suất).
Tháng 4-2024, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành Quyết định 4638/2024 xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Hiệp Phú Land với số tiền 180 triệu đồng và buộc bàn giao kinh phí bảo trì trong thời hạn 10 ngày. Đến ngày 21-6-2024, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành Quyết định 8186/2024 quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định 4638/2024.
Trước thời điểm có quyết định xử phạt hành chính, chủ đầu tư có buổi làm việc với ban quản trị chung cư và nêu lý do gặp khó khăn, thiếu hụt nguồn thu nên chưa thể bàn giao quỹ bảo trì đầy đủ.
Mới đây, chủ đầu tư đã có văn bản gửi ban quản trị chung cư về quỹ bảo trì chung cư Saigon Gateway là hơn 32 tỉ đồng, lãi phát sinh 145 triệu đồng và chi hơn 5 tỉ đồng.
Từ năm 2014, cư dân chuyển vào ở chung cư 4S Linh Đông (phường Linh Đông, TP Thủ Đức) nhưng đến nay chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì. Với hơn 1.110 căn hộ, quỹ bảo trì của chung cư khoảng 25 tỉ đồng. Trong khi nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp, cần bảo trì. Trước thực trạng trên, năm 2021, lãnh đạo UBND TP HCM đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư vì bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì. Năm 2022, Chủ tịch UBND TP HCM ban hành quyết định cưỡng chế buộc bàn giao kinh phí bảo trì đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã khởi kiện UBND TP HCM đối với các quyết định nêu trên.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Ban Quản trị chung cư 4S Linh Đông, cho biết vừa qua TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên bác đơn kiện của chủ đầu tư. Sau phiên tòa, UBND TP Thủ Đức cũng chỉ đạo phường Linh Đông mời ban quản trị, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan họp. Tuy nhiên, cuộc họp không diễn ra như kế hoạch vì chủ đầu tư xin dời cuộc họp. Nhiều cuộc họp chủ đầu tư không cử lãnh đạo mà cử nhân viên dự nên khó giải quyết công việc. "Hiện nay mọi việc đang bế tắc" - ông Nguyễn Huy Hoàng nói.
Cưỡng chế hoặc chuyển cơ quan điều tra
Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho biết theo quy định tại điều 154 Luật Nhà ở 2023 thì sau khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị. Trường hợp không bàn giao, UBND cấp huyện sẽ cưỡng chế. Trong quá trình cưỡng chế, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp huyện chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý. Trường hợp qua xác minh, có căn cứ cho rằng chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt quỹ bảo trì, chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt cho hành vi chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên là 12 năm đến 20 năm tù.
Đăng thảo luận