Bằng tình cảm của một người nhạc sĩ lớn lên ở thành phố mang tên Bác, nhạc sĩ Nguyễn Quyền đã viết 3 ca khúc dạt dào thương yêu tham gia cuộc vận động sáng tác "Đất nước trọn niềm vui"
Phóng viên: Từ chất liệu nào ông sáng tác 3 ca khúc "Sài Gòn - Thành phố tên Người"; "Bình minh nắng ấm" và "Thành phố tôi yêu"?
- Nhạc sĩ NGUYỄN QUYỀN: Tôi là nhạc sĩ sáng tác thuộc Chi hội 1 của Hội Âm nhạc TP HCM, đồng thời là người tham gia biểu diễn và hiện là Chi Hội phó Chi hội Biểu diễn Âm nhạc thịnh hành. Sau khi được nghe phổ biến phong trào sáng tác về thành phố từ đầu năm 2024 hướng đến chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngay lập tức trong tôi đã xuất hiện ý tưởng phải viết về nơi sinh ra và trưởng thành của mình.
Tôi sinh năm 1975, lớn lên cùng thành phố nên nhìn rất rõ sự đổi mới mà vẫn giữ được những góc, nét cổ kính của Sài Gòn xưa. Từ cảm xúc đó tôi đã sáng tác 3 ca khúc tham dự cuộc vận động sáng tác của Báo Người Lao Động.
Mạch cảm xúc đã đến với ông như thế nào khi viết 3 ca khúc này?
- Tôi nhìn thấy nét văn minh hiện đại của TP HCM sau ngày đất nước thống nhất nên tôi đã viết ca khúc "Sài Gòn - Thành phố tên Người". Sau bài hát đầu tiên được UBND TP HCM hỗ trợ đầu tư sáng tác, tôi đã tìm được mạch cảm xúc đặc biệt để viết bài hát "Bình minh nắng ấm". Bài này tôi đã viết sau 3 tháng suy nghĩ, tìm một góc nhìn khác hơn để bày tỏ sự chào đón của mọi người khi nghĩ đến TP HCM, nơi đã vượt qua biết bao gian khó để đạt thành tựu như ánh bình mình luôn mang nắng ấm đến cho cuộc đời. Rất khó để viết nhiều bài hát chung một chủ đề nên tôi nghĩ là sẽ không thể viết thêm bài nào nữa về thành phố.
Nhạc sĩ Nguyễn Quyền. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tuy nhiên, trong một chuyến đi về nguồn với Hội Âm nhạc TP HCM tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), nơi tôi đã có tác phẩm đoạt giải 2 viết về huyện Vĩnh Cửu, tôi đã nghe những lời phát biểu của Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM Nguyễn Quang Vinh, ông nói các hội viên đã viết rất nhiều tác phẩm hay cho tất cả tỉnh, thành của cả nước. Đây là dịp rất hiếm sao mình lại không viết những tác phẩm hay về nơi mình sinh sống?
Sau nhiều đêm suy nghĩ cũng như nghe những lời bình rất hay của chương trình "Thời sự 60s" của HTV, nên ca khúc "Thành phố tôi yêu" đã ra đời và được đầu tư chỉn chu về hòa âm cũng như ca từ theo góc nhìn những người xa xứ nói TP HCM. Cả ba ca khúc này đều có chung nét trẻ trung vui tươi, mỗi ca khúc đều thể hiện góc nhìn khác nhau về thành phố với 3 thể loại nhạc: Rock, Funk, Deephouse.
Ông đề xuất điều gì cho việc tổ chức biểu diễn, phát hành sách sau đợt vận động sáng tác ca khúc chủ đề "Đất nước trọn niềm vui" của Báo Người Lao Động?
- Tôi hy vọng Báo Người Lao Động sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ thành quả của cuộc vận động sáng tác "Đất nước trọn niềm vui" trên toàn quốc. Những ca khúc hay sẽ được truyền bá rộng rãi để giới thiệu về TP HCM chúng ta.
Ông có hy vọng kết quả của cuộc vận động sáng tác sẽ tác động đến giới trẻ nâng cao niềm tự hào yêu nước Và ngày càng yêu hơn TP HCM?
- Tôi tin cuộc vận động của Báo Người Lao Động sẽ cho giới trẻ thấy rõ niềm tự hào khi được sinh sống tại TP HCM, nơi có nhiều cơ hội để học tập, cống hiến cũng như cho thấy âm nhạc truyền thống cách mạng sau 50 năm không còn "khô cứng", mà vẫn rất gần với tuổi trẻ.
Cuộc vận động sáng tác của báo là dịp luôn nhắc nhớ chúng ta phải biết ơn những hy sinh của thế hệ ông cha đã đổ biết bao xương máu để vun đắp, xây dựng thành phố này ngày càng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản chất sống nghĩa tình.
Đăng thảo luận