Sáng ngày 31/8, Học viện Esports Hữu Nghị tổ chức talkshow “Esports và cơ hội nghề nghiệp tại thị trường Việt Nam”. Chia sẻ tại talkshow, TS Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hữu Nghị, cho hay eSports (thể thao điện tử) đang là một ngành công nghiệp tiềm năng, có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới.
“Khi nghiên cứu doanh thu đến từ game, chúng tôi nhận thấy đây là ngành công nghiệp tỷ đô. Tính riêng tại Việt Nam, mức doanh thu cũng chiếm khoảng 600 - 700 triệu đô mỗi năm. Doanh thu này đến từ nguồn tiền thưởng, bán bản quyền truyền hình, bản quyền game, vé và đồ lưu niệm”, ông Thư nói.
Các diễn giả trao đổi tại talkshow “Esports và cơ hội nghề nghiệp tại thị trường Việt Nam”
Không chỉ vậy, eSports giờ đây phát triển mạnh mẽ, được công nhận là một môn thể thao điện tử và đưa vào thi đấu ở nhiều giải cấp khu vực và quốc tế. Sự phát triển nhanh kéo theo nhu cầu về nguồn lao động chất lượng “cao hơn bao giờ hết”.
Trong khi đó tại Việt Nam, theo TS Phạm Kim Thư “có nhiều người trẻ, tiềm năng rất lớn”, nhưng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành eSports hầu hết chưa được đào tạo bài bản và thường chuyển từ các ngành nghề khác sang.
Để theo kịp xu thế và sự phát triển eSports trên thế giới, ông Thư cho rằng, cần thiết phải xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này. Đây cũng là điều nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã làm như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...
Đồng quan điểm, TS Vũ Thị Kiều Anh, Chủ tịch Edmod Việt Nam, cho hay eSports là ngành có cơ hội và tiềm năng hiện nay. “Ở Mỹ, việc đào tạo về ngành này đã được thực hiện từ năm 1972. Đây là ngành có nhu cầu nhân lực cao, do đó ở Việt Nam cần phải được đào tạo bài bản, đầy đủ các tiêu chí để người học hiểu nghề nghiêm túc”, bà Kiều Anh nói.
TS Vũ Thị Kiều Anh, Chủ tịch Edmod Việt Nam
Trước nhu cầu thực tế ấy, Trường Cao đẳng Hữu Nghị tiên phong, là đơn vị đầu tiên đưa eSport vào giảng dạy bài bản tại Việt Nam. Dự kiến, trường bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2024 này.
TS Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng nhà trường cho hay ngành eSport vốn chưa có trong danh mục đào tạo ở Việt Nam. Do đó, nếu muốn xây dựng chương trình để tổ chức đào tạo sẽ có hai hướng đi gồm: tự xây dựng chương trình để tổ chức đào tạo và liên kết, nhập chương trình của các trường đã đào tạo ngành này trên thế giới để giảng dạy khóa đầu tiên, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng chương trình phù hợp với đặc thù Việt Nam.
“Chúng tôi lựa chọn phương án thứ hai là liên kết với Tổ chức giáo dục Pearson Vương Quốc Anh (Pearson UK). Sau khi học xong, bằng sẽ được công nhận ở hàng trăm trường đại học trên thế giới”, ông Thư nói.
TS Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hữu Nghị
Về nội dung chi tiết, chương trình sẽ bao gồm 15 mô – đun, môn học tương ứng với 240 tín chỉ, kéo dài 2 năm với 4 học kỳ. Chương trình có hai phần kiến thức gồm kiến thức chung và kiến thức chuyên sâu, tùy theo sở thích, đam mê của người học.
Kiến thức chung sẽ bao gồm các môn như: Hệ sinh thái thể thao điện tử, Tổ chức sự kiện, Nghiên cứu dự án về thể thao điện tử... Sau khi học xong, người học sẽ có nhiều hướng lựa chọn. Chẳng hạn, nếu muốn trở thành nhà sản xuất về game, người học có thể học các môn liên quan đến thiết kế, sáng tạo. Muốn trở thành nhà quản lý và điều hành, người học có thể học các môn liên quan đến tổ chức sự kiện, đầu tư tài chính. Trong khi đó, muốn trở thành game thủ, huấn luyện viên, người học có thể học các môn như đạo đức nghề nghiệp, tâm lý, sức khỏe, hậu cần, phân tích chiến thuật.
Chương trình này được nhập khẩu toàn phần từ Pearson UK, bao gồm cả nội dung và giáo trình. Đội ngũ giảng viên đều phải trải qua kỳ sát hạch của Pearson UK mới được phép tham gia giảng dạy.
Anh Nguyễn Đức Bình (Chim Sẻ Đi Nắng), Giám đốc điều hành CSDN Studio
Có 13 năm tham gia thi đấu game chuyên nghiệp, anh Nguyễn Đức Bình (Chim Sẻ Đi Nắng), Giám đốc điều hành CSDN Studio, cho hay trong quá trình thi đấu, anh được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp ở lĩnh vực thể thao điện tử, từ bình luận viên, MC, đội ngũ kỹ thuật, nhà phát triển game... Phía sau mỗi giải đấu, ngoài game thủ còn rất nhiều đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ các thành viên có thể thi đấu tốt nhất.
“Do đó, ngành eSport rất rộng, bao gồm nhiều ngành nghề trong đó, không chỉ là game thủ hay bình luận viên. Mức thu nhập của ngành cũng rất hấp dẫn, đến từ giải thưởng, donate, booking quảng cáo...”, anh Bình nói.
Giám đốc điều hành CSDN Studio đánh giá Việt Nam đang là nước có xu thế phát triển ngành eSport, đã được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các đội tuyển thi đấu eSport. “Trong thời gian tới, Việt Nam nếu được đầu tư bài bản, chắc chắn sẽ sánh ngang với các cường quốc về eSport trên thế giới”, anh nói.
Tham gia talkshow “Esports và cơ hội nghề nghiệp tại thị trường Việt Nam”, ngoài việc lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả, học sinh và phụ huynh còn được trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến cơ hội nghề nghiệp, những năng lực cần có và khó khăn, thách thức khi tham gia vào ngành công nghiệp tỷ đô. Thông qua đó, phụ huynh và học sinh sẽ thấu hiểu thêm về lĩnh vực eSport, sự phát triển và tính bền vững của nghề.
Để biết thêm thông tin tuyển sinh năm học 2024, độc giả có thể truy cập https://fesa.vn/
Xem nhiềuGiáo dục
Quảng Ninh miễn phí 167 tỷ đồng học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Giáo dục
Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh
Giáo dục
TPHCM: Phụ huynh bị 'vận động' đóng góp ít nhất 200.000 đồng làm đường
Giáo dục
Trường học chỉ phát giấy khen học sinh ủng hộ bão lũ từ 100.000 đồng trở lên
Giáo dục
Đăng thảo luận