Làm sai lệch di sản
Năm 2014, sau khi Việt Nam trình hồ sơ lên UNESCO xem xét ghi danh di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Ngô Đức Thịnh trong vai trò cố vấn hồ sơ từng chia sẻ về hiện tượng thú vị.
Nhiều di sản được lập hồ sơ ghi danh vì phải đối mặt với nguy cơ mai một, thoi thóp chờ cấp cứu, hầu đồng ngược lại. Chuyên gia e ngại sự bùng phát ở khắp mọi miền. Bởi vậy, từ người phản đối làm hồ sơ ghi danh, GS Thịnh khi ấy đã tham gia xây dựng hồ sơ để hầu đồng bớt lệch chuẩn. Ông từng chia sẻ với phóng viên Tiền Phong rằng, rất nhiều người thực hành nhưng không hiểu căn cơ, cặn kẽ về đạo Mẫu, họ ở trạng thái tự do, thực hành rất xa với cái gốc. Việc ghi danh di sản là để người thực hành hiểu, tránh làm sai lệch đạo Mẫu - đạo của người Việt.
Những sai lệch từ trang phục biến tướng, cung văn cố tình hát sai lời để chiều lòng thanh đồng, lợi dụng bóng thánh phán truyền nhiều nội dung để trục lợi... được các chuyên gia và nghệ nhân chỉ mặt đặt tên.
Năm 2023, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế gây tranh cãi khi để xảy ra tình trạng biểu diễn hầu đồng trên sân khấu lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật quốc tế, tại Đại học Huế. Lãnh đạo Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho rằng, đó là sự “diễn giải di sản” đơn thuần. Quan điểm này khiến nhiều thanh đồng, nghệ nhân bức xúc, bởi việc này vi phạm nguyên tắc đạo đức, xâm phạm một số tập tục, kiêng kị trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tháng 2/2024, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa chỉ ra hiện tượng vi phạm quy định pháp luật cũng như vi phạm nguyên tắc trong thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Sự sai lệch phổ biến nhất ở chỗ, một số nghệ nhân thực hiện hầu đồng, hầu bóng không đúng quy tắc, không tuân thủ không gian thiêng của di sản. Một số nơi đưa yếu tố ngoại lai vào thực hành, thể hiện qua việc sử dụng âm nhạc, trang phục, đạo cụ, đồ lễ, tiền mệnh giá cao...
Mới đây nhất, hiện tượng lệch chuẩn lại diễn ra tại Bắc Ninh. Ngày 24/10, Sở VHTTDL Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tổ chức Liên hoan Hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Ninh lần thứ II-năm 2024. Thế nhưng, bên cạnh hoạt động hát văn, một số nghệ nhân như Nguyễn Trần Tuấn Anh, Trần Thị Chung, Đào Đình Học... thực hành hầu đồng trên sân khấu, đi ngược lại nguyên tắc, tập tục trong di sản tín ngưỡng thờ Mẫu.
Không để xâm phạm tính thiêng
Cục Di sản văn hóa đề nghị Bắc Ninh chấn chỉnh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Nhiều người vẫn nhầm lẫn việc đưa hầu đồng lên sân khấu dưới danh nghĩa sân khấu hóa và hình thức diễn xướng hầu đồng trên sân khấu do nghệ nhân, thanh đồng thực hiện như một nghi lễ tâm linh.
Sân khấu hóa hầu đồng là xu thế của xã hội hiện đại, nhưng phải đảm bảo đó là tác phẩm nghệ thuật, không có chuyện bê nguyên xi nghi lễ tâm linh hầu đồng lên sân khấu. Sự hấp dẫn của phục trang, âm nhạc, vũ đạo trong nghi thức hầu đồng ngày càng được nhiều nghệ sĩ lấy cảm hứng, sáng tạo thành tiết mục biểu diễn hát văn phục vụ du khách.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) chia sẻ với phóng viên Tiền Phong: “Di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, gắn với tâm linh, với những tập tục, kiêng kị và nghi lễ của một cộng đồng chủ thể mang tính đặc thù (được coi là có căn, có cơ duyên) nên càng đòi hỏi sự cẩn trọng trong các hoạt động bảo vệ và phát huy trong cộng đồng, từ các cơ quan, tổ chức, nhóm người không hiểu hết về giá trị di sản cũng như tính thiêng của di sản”.
Nghệ nhân bảo vệ và thực hành di sản thờ Mẫu tại không gian thiêng
Trước các hiện tượng sai lệch trong thực hành nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa nêu rõ, các hoạt động diễn xướng hầu đồng đã diễn ra ở Huế, Bắc Ninh... đều không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản, xâm phạm tập tục, kiêng kị và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, không đúng tinh thần Công ước 2003 bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và Luật Di sản văn hóa, Nghị định 39/2024 quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Nghị định 39/2024/NĐ-CP sau gần nửa năm đi vào đời sống chính là hành lang pháp lý để các địa phương bảo vệ và phát huy di sản. “Nếu các địa phương đồng đều triển khai Nghị định 39, di sản nói chung và di sản tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng sẽ được nhận diện đầy đủ giá trị, được triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích chủ thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, TS Hiền nêu.
Trong một cuộc tập huấn về di sản thờ Mẫu, nghệ nhân ưu tú Tất Kim Hùng nhắc lại lời tiền nhân dạy “làm lính có công, làm đồng có phép”, để người thực hành tín ngưỡng trau dồi kiến thức, sự hiểu biết, tôn trọng các phép tắc, lễ nghi của đạo Mẫu.
“Mảnh vỡ của di sản”
TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch, khẳng định, di sản thờ Mẫu là tín ngưỡng thiêng, được tạo nên từ các giá trị và các đặc trưng riêng có gắn với không gian thiêng thờ Mẫu, thời gian thiêng và yếu tố văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, hát văn, múa... Các giá trị này tạo thành chỉnh thể không thể tách rời của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông nhận định, việc tách nghi lễ tâm linh này khỏi không gian thiêng thì dứt khoát đó chỉ là “mảnh vỡ của di sản”.
“Khi tổ chức liên hoan hoặc quảng bá di sản, cần phân biệt rõ di sản và các thành tố của di sản. Chẳng hạn khi biểu diễn hầu đồng trên sân khấu thì đó chỉ có thể là yếu tố nghệ thuật của tín ngưỡng thờ Mẫu (hát văn và vũ đạo), bởi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu luôn phải đảm bảo không gian, thời gian thiêng gắn với điện thờ”, TS Sơn nhấn mạnh. Điều này cũng tương tự di sản Thực hành Then của đồng bào Tày - Nùng - Thái được UNESCO ghi danh, các địa phương chỉ có thể tổ chức liên hoan hát Then, đàn tính chứ không thể có liên hoan thực hành Then.
Xem nhiềuVăn hóa
Ai thay thế vị trí giám đốc của NSND Xuân Bắc ở Nhà hát Kịch Việt Nam?
Văn hóa
NSND Kim Cương cấp cứu
Giải trí
Thế lực thay đổi cục diện bầu cử Mỹ
Văn hóa
Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ của Bộ Văn hóa
Văn hóa
Đăng thảo luận