Mùa tuyển sinh đại học năm 2024, Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội đã tiếp nhận 14.880 nguyện vọng đăng kí xét tuyển với 14 ngành, trong số này đã có 1.732 thí sinh trúng tuyển nhập học.
Ban Giám hiệu Trường ĐH Y Hà Nội gặp gỡ sinh viên thủ khoa, tuyển thẳng năm học 2024 - 2025. Ảnh: Phạm Hữu Linh
Trong tổng số 1.732 thí sinh trúng tuyển nhập học, có 95 sinh viên tuyển thẳng có thành tích xuất sắc trong học tập, 3 sinh viên tuyển thẳng thuộc đối tượng dân tộc thiểu số. Cũng trong số sinh viên tuyển thẳng này, có 4 em đạt huy chương vàng Olympic quốc tế.
Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội và các sinh viên thủ khoa, tuyển thẳng năm học 2024 – 2025 vừa được tổ chức, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết cuộc gặp gỡ này xuất phát từ nghiên cứu của trường cho kết quả những học sinh đạt giải cao quốc tế nhưng học lực không khác biệt so với sinh viên xét tuyển vào trường bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
"Vì sao lại như vậy? Các thầy cô suy nghĩ hay do môi trường của nhà trường chưa đủ để các em phát huy hay vì gì nữa? Nên nhà trường tổ chức nhiều hoạt động để ngoài học như bình thường còn có nhiều diễn đàn khác cho các em tham gia”, GS Văn nói.
Ông đồng thời khuyên: "Những vinh quang hãy để lui vào quá khứ. Càng để lui nhanh, các em càng thành đạt. Nếu cứ canh cánh ôm theo cả 6 năm học sắp tới thì rất khó thành công. Ngưỡng cửa tòa nhà A6 (nơi đặt trung tâm khảo thí của trường) đón các em định kì. Học phổ thông, các em nhận được sự quan tâm, bao bọc từ gia đình, thầy cô, còn ở ĐH, sinh viên tự do.
Vì vậy, muốn thành công phải vượt qua rất nhiều rào cản. Nếu sống dựa vào hào quang trong quá khứ sẽ khó thành công. Kĩ năng của ngành Y rất khác. Giải Toán giỏi không liên quan đến kĩ năng mổ giỏi. Nên nếu không nhanh chóng hòa nhập thì khó thành công. Những em ngồi đây đều là những người có điều kiện, có thành tích. Nếu không trở thành xuất sắc là lỗi của các em. Tôi và các thầy cô ở đây ngày xưa không phải là những người xuất sắc, chúng tôi luôn phải lấy công làm lãi. Những bạn giỏi có thể chỉ học 10 phút nhưng tôi phải học 1 tiếng”.
Mong sinh viên không lãng phí thành quả, tố chất đã có
Chia sẻ với các thủ khoa, sinh viên được tuyển thẳng, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định nhà trường kì vọng các em sẽ trở thành những người xuất sắc, bác sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lí xuất sắc mai sau.
“Những giải thưởng các em đã đạt được là những thành quả đã được khẳng định. Chinh phục Trường ĐH Y Hà Nội là một con đường rất khác. Có thể không khó như con đường chinh phục giải quốc gia, quốc tế. Nếu không toàn tâm toàn ý, quyết tâm, kiên trì vượt qua khó khăn, có khi không làm được, kết quả không bằng những gì đã đạt trong quá khứ”, GS Tú nói và nhắn nhủ sinh viên không được nản lòng.
GS Tú cho rằng cái khó của học Y khoa là "không giống ai". Y học là lĩnh vực gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Sinh viên phải học một số định luật, sẽ phải nhớ, phải học thuộc những kiến thức rời rạc, nhưng nó sẽ tạo cái nền móng tổng thể quan trọng cho các kiến thức chuyên môn sâu về sau. Nếu không chuyển tiếp tốt, không chuyển đổi nhanh sẽ không thành công.
Theo GS Tú, những sinh viên từng đạt thành tích cao khi không thành công sẽ nhụt chí cảm thấy thất vọng vì không phù hợp. Những em này có thể vẫn học nhưng không đạt được mục tiêu mong muốn. Đây là sự đáng tiếc.
“Tôi khuyên các em nhanh chóng chuyển trạng thái, nhập môn càng sớm càng tốt. Quyết tâm, kiên trì sẽ tìm ra được con đường phù hợp sẽ vượt qua và thành công. Nhà trường luôn có sân chơi, hoạt động hỗ trợ cho các em, nhất là những sinh viên có thành tích đặc biệt. Chúng tôi có duy nhất kì vọng, các em cố gắng không bị lãng phí thành quả, tố chất đã có để trở thành cán bộ, cử nhân xuất sắc của ngành Y tế, đóng góp tốt hơn cho nhà trường, xã hội”, GS Tú chia sẻ.
Ông khẳng định năm đầu tiên nếu có khó khăn mong sinh viên chia sẻ với thầy cô, đoàn thể. Trường ĐH Y Hà Nội cũng có "trạm sạc" tâm hồn để sinh viên bày tỏ, nếu cần gặp hiệu trưởng xin ý kiến, GS Tú nói mình luôn sẵn sàng tiếp và gặp sinh viên, hoặc các em chỉ cần nhắn tin.
Bằng kinh nghiệm của mình, GS Tú cho rằng những sinh viên đoạt huy chương Olympic đều được cha mẹ chăm sóc, tạo điều kiện hết mực nhiều khi giống như “nuôi trong môi trường vô trùng”. Bây giờ, bước vào ngưỡng cửa ĐH, các em sẽ gặp những va chạm, và có thể cả những vấp ngã. Nhà trường luôn mong muốn các em không bỏ cuộc vì bên cạnh luôn có các bạn, thầy cô.
“Hai tuần nay, các em mới chỉ học những modun đầu tiên ở trường và là modun hạnh phúc, học không phải thi. Nó chuẩn bị sắp kết thúc và khi khai giảng xong, các em sẽ bắt đầu vào cuộc với hành trình rất khác như tôi đã nói”, GS Tú bày tỏ.
Xem nhiềuGiáo dục
Quảng Ninh miễn phí 167 tỷ đồng học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Giáo dục
Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh
Giáo dục
TPHCM: Phụ huynh bị 'vận động' đóng góp ít nhất 200.000 đồng làm đường
Giáo dục
10 trường đại học có doanh thu trên nghìn tỷ
Giáo dục
Đăng thảo luận