Bà Nguyễn Lê Trang Ly, Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh Công ty CP IDTEK, cho biết phần lớn doanh nghiệp (DN) - bao gồm DN nhỏ và vừa - chưa hiểu rõ cách thức hoạt động, tiềm năng, tác động cụ thể, chi phí so với cơ hội... của việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh.

Đây được xem là rào cản lớn nhất khiến DN nhỏ và vừa chậm chuyển đổi công nghệ.

Cũng theo bà Ly, đa số DN nhỏ và vừa chỉ chú trọng khả năng hoàn vốn và hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn nên không đầu tư nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu. Đồng thời, họ còn lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu và các vấn đề pháp lý liên quan thông tin người dùng nếu ứng dụng AI. "Nhiều lãnh đạo DN nhỏ và vừa ban đầu rất quyết tâm ứng dụng AI, chuyển đổi số (CĐS) nhưng lại chưa có nhận thức, lộ trình rõ ràng, dẫn đến bỏ ngang khi gặp khó khăn, gây lãng phí tiền bạc và thời gian" - bà Ly nêu rõ.

Ông Phí Anh Tuấn, Trưởng Ban CĐS mảng DN - Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn CĐS, cho rằng DN nhỏ và vừa đang ở trạng thái dò dẫm CĐS và ứng dụng AI. Nguyên nhân là do chưa lựa chọn được nhà tư vấn nền tảng CĐS phù hợp. Chưa kể, nhiều DN còn lúng túng, ngại ngần và chưa nhìn thấy được tác động của việc ứng dụng AI trong hoạt động của DN. "DN nào không nhanh chóng CĐS, đưa AI vào hoạt động sẽ tự mình tạo khoảng cách đối với những DN đang nghiêm túc triển khai và tích hợp công nghệ này để tối ưu hóa các quy trình từ kế toán, nhân sự đến chăm sóc khách hàng, truyền thông, phân tích dữ liệu..." - ông Tuấn khẳng định.

Một khó khăn lớn khác là DN không biết lựa chọn giải pháp công nghệ nào phù hợp với nhu cầu và không xác định được sẽ bắt đầu áp dụng từ giai đoạn nào. Ông Hoàng Văn Tam, Giám đốc Công ty DigiTech Solutions, nhìn nhận việc tìm kiếm đối tác cung cấp các giải pháp AI phù hợp và đáng tin cậy hiện nay không dễ. Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy DN vừa và nhỏ ứng dụng AI còn hạn chế.

Theo các chuyên gia công nghệ, để xóa rào cản khiến DN chưa tiếp cận được AI, trước tiên, người đứng đầu DN phải hiểu rõ về lợi ích, tiềm năng và mặt trái của công nghệ này trong ngắn hạn và dài hạn. Từ đó sẽ xây dựng được chiến lược ứng dụng AI có lộ trình và mục tiêu cụ thể nhằm đạt được kết quả như mong muốn. Song song đó, DN cần bảo đảm cơ sở hạ tầng công nghệ và nhân lực có kỹ năng phù hợp.

  • Trí tuệ nhân tạo sẽ "cướp" việc làm của ai?

  • Việt Nam và cơ hội rất lớn từ AI