Sau 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", những khu phố, nhà ga, bệnh viện, trường học ở TP Hà Nội từng bị bom đạn tàn phá nay đã trở thành những công trình khang trang, hiện đại
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến", "Thủ đô anh hùng", "Thành phố vì hòa bình"..., là điểm tựa tinh thần to lớn để quân và dân TP Hà Nội vững bước trên con đường xây dựng thủ đô ngày càng giàu mạnh.
Nỗ lực vươn mình
Ông Bùi Thế Cường, Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ, cho biết trong mất mát đau thương, người dân An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) vẫn kiên cường, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng sẽ dẫn đến thắng lợi cuối cùng. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", cũng là dịp để cán bộ và nhân dân phường Yên Phụ tưởng nhớ 171 người dân An Dương bị giặc Mỹ giết hại vào tháng 12-1972.
Yên Phụ hiện đang nỗ lực vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động nhất của quận Tây Hồ. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt hơn 12 tỉ đồng; 14/14 tổ dân phố văn hóa; 96,12% gia đình văn hóa; công tác an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. "Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng của thủ đô, cán bộ và nhân dân phường Yên Phụ nguyện đem hết sức lực, trí tuệ, đoàn kết để xây dựng phường, quận Tây Hồ và thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với những người đã ngã xuống, xứng đáng sự tin yêu của đồng chí, đồng bào và chiến sĩ cả nước" - ông Cường khẳng định.
TP Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ Ảnh: HỮU HƯNG
Ngược dòng lịch sử, năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai là một trong hai cứ điểm phòng không của TP Hà Nội. Bên cạnh nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe nhân dân, cứu chữa những chiến sĩ bị thương khi chiến đấu, các cán bộ y tế của bệnh viện còn góp sức mình trong công cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô.
Đỉnh điểm là năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai hứng chịu 4 trận ném bom, oanh kích của không quân Mỹ. Nhưng bi thương và nặng nề nhất là trận ném bom B52 ngày 22-12-1972 làm 28 nhân viên của bệnh viện tử nạn, nhiều khu nhà làm việc, phòng khám bị sập. Thế nhưng, chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, cán bộ y tế toàn bệnh viện đã tiếp tục công tác cứu người, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng do bom B52 rải thảm xuống Khâm Thiên và một số khu vực khác trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ y tế đã từng bước xây dựng lại bệnh viện để trở thành bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước. "Có thể nói, trong thời bình, các "chiến sĩ" của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nối truyền thống cha ông, tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình, đặc biệt là giặc COVID-19 vừa qua. Bên cạnh đó, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người dân thủ đô" - PGS-TS Đào Xuân Cơ khẳng định.
Khâm Thiên thay áo mới
Ngày 26-12 hằng năm, cả phố Khâm Thiên (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm ngày giỗ chung cho 287 người dân đã mất bởi trận rải bom B52 tàn ác của đế quốc Mỹ. Đã 50 năm trôi qua, nỗi đau Khâm Thiên vẫn nhức nhối trong lòng những người đang sống nhưng mảnh đất này đã "thay da đổi thịt", trở thành một trong những phố nhộn nhịp nhất quận Đống Đa.
Bà Nguyễn Thị Tho, Phó Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên, cho biết cách đây 50 năm, đêm 26-12-1972, gần cận kề của ngày chiến thắng, phố Khâm Thiên phải gánh chịu trận ném bom rải thảm hủy diệt của Mỹ, làm chết 287 người, bị thương 290 người, 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và 1.200 ngôi nhà khác bị hư hỏng. Từ nhiều năm nay, ngày 26-12 hằng năm đã trở thành ngày tưởng niệm thiêng liêng, có ý nghĩa sâu sắc trong lòng người dân thủ đô nói chung và phố Khâm Thiên nói riêng.
Phố Khâm Thiên hiện nay là một trong những phố nhộn nhịp nhất quận Đống Đa, TP Hà Nội Ảnh: HỮU HƯNG
Bà Tho cho hay 50 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, Khâm Thiên ngày nay đã thay áo mới. Những nhà cao tầng mọc lên san sát, dấu tích tội ác của Mỹ chỉ còn lại ở đài tưởng niệm Khâm Thiên, ghi nhớ ngày giỗ chung của hàng trăm người dân nơi đây.
Theo bà Tho, phố Khâm Thiên đã thay da đổi thịt, cuộc sống diễn ra hối hả, nhộn nhịp, không còn hộ nghèo, chế độ chính sách với những người có công được chính quyền phường quan tâm, bảo đảm. Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân ra sức thi đua đạt kết quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quốc phòng an ninh. Đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng được nâng cao. Hằng năm, chương trình giảm nghèo vượt và đạt chỉ tiêu; quy chế dân chủ được thực hiện và đã phát huy tác dụng; văn hóa xã hội có bước tiến rõ rệt, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh; các thành phần kinh tế được tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động, tự chủ kinh doanh làm giàu chính đáng, đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách.
Kỳ tích có một không hai
Sáng 26-12, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, TP Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12.1972 - 12.2022). Tham dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, TP Hà Nội.
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta; cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. H.Thanh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-12
Đăng thảo luận