Kinhtedothi-Sáng 4/11, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các đại biểu Quốc hội đề xuất cần quan tâm đến đào tạo nghề; có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp.

Tin liên quan

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội xem xét trong tuần này

Trình Quốc hội chương trình phát triển văn hóa hơn 250.000 tỷ đồng, thực hiện trong 11 năm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) thống nhất với báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

ĐBQH: thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp  第1张 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) - Ảnh: Quochoi.vn

Bày tỏ quan tâm về vấn đề lao động, việc làm, đại biểu cho biết, năm 2024, tình hình lao động việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực, 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519 nghìn đồng.

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. Tỉ lệ lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ đạt 28,1% (tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, tình hình lao động việc làm năm 2024 vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỉ trọng lớn.

Đồng thời tỉ lệ lao động thất nghiệp còn cao. Công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.

ĐBQH: thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp  第2张 Đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 4/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…

Cùng quan tâm tới đào tạo nhân lực chất lượng cao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 theo báo cáo là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận, đánh giá thêm thực tiễn, bởi qua giám sát, quy định về công tác đào tạo nghề còn không ít bất cập.

Doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, xuất thân nông thôn. Trong thời gian qua, tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho người lao động chỉ 36%. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp về thủ tục.

ĐBQH: thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp  第3张 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Nghị quyết số  68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động là phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 12 tháng trở lên; phải có phương án phối hợp với cơ sở đào tạo nghề. Các phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng là 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa là 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, quy mô đào tạo, chưa bảo đảm tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương; từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề để đảm bảo phù hợp với thực tế, xu hướng phát triển của xã hội, của doanh nghiệp, hạn chế lãng phí ở các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.