Khả năng đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh chủ yếu nằm ở nỗ lực của sinh viên. Nhiều trường đại học cũng có các biện pháp từ khuyến khích tới mạnh tay nhằm giúp các em hoàn thành chỉ tiêu này.

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là công cụ cho sinh viên tham gia tự tin vào thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ. Tại nhiều trường đại học, việc áp chuẩn ngoại ngữ được thực hiện như thế nào? Mời độc giả đón đọc các bài viết của VietNamNet về vấn đề này.  

Từ khuyến khích, khuyên răn...

Vượt qua “mác” trường kỹ thuật kém tiếng Anh, rất ít sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM chậm nhận bằng do chưa đạt chuẩn ngoại ngữ. Lý do được trường này đưa ra là bên cạnh kiến thức, nhà trường chú trọng đào tạo ngoại ngữ, giúp sinh viên sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trình độ cao, hội nhập quốc tế. 

Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo cho biết, để thúc đẩy việc học tiếng Anh, nhà trường đặt ra các ngưỡng với từng cấp độ/từng năm học theo lộ trình giảng dạy. Sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ trước khi nhận đồ án tốt nghiệp, để khi hoàn thành đồ án là nhận bằng tốt nghiệp ngay.

“Nhà trường tổ chức giảng dạy các môn tiếng Anh và tặng kèm cho sinh viên bản quyền công cụ học, kết hợp với các môn tiếng Anh dạng tăng cường, giúp các em có thêm cơ hội học tập”, ông Thắng nói.

Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, các trung tâm ngoại ngữ của trường còn có nhiều hoạt động tăng cường như câu lạc bộ, các sinh hoạt bổ trợ.

Ông Thắng khuyên sinh viên, nhất là các em ngành kỹ thuật, phải học ngoại ngữ liên tục, nhanh chóng hoàn thành các học phần ngoại ngữ, đạt chuẩn đầu ra; đồng thời phải vận dụng sức trẻ để tăng tốc quá trình học, tạo động lực học tập cho chính mình để có thể thu nhận kiến thức nhân loại tốt nhất, có cơ hội làm việc trong môi trường toàn cầu. Nếu có khó khăn trong việc học ngoại ngữ, các em nên mạnh dạn nhờ sự trợ giúp từ nhà trường, bạn bè, hội sinh viên, hay đoàn thanh niên.

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Lê Anh Đức, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo cho hay, giải pháp của trường là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến thí sinh về chuẩn đầu ra, các quy định của trường ngay trong quá trình tư vấn tuyển sinh và các hoạt động đầu khóa của sinh viên.

Với những sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, sau khi nhập học, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra phân loại tiếng Anh đầu vào theo chuẩn quốc tế, từ đó làm căn cứ giúp các em xây dựng lộ trình học đáp ứng chuẩn đầu ra.

“Chúng tôi xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường theo chuẩn quốc tế để đào tạo cho sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra; đồng thời tổ chức tư vấn, định hướng 1-1 cho từng em để có lộ trình học hợp lý. Sinh viên có thể lựa chọn đăng ký chương trình học phù hợp với trình độ của mình”, ông Đức cho hay.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tổ chức kiểm tra tiếng Anh định kỳ nhằm phân loại, đánh giá và cảnh báo sớm tới sinh viên. “Chúng tôi phối hợp với các tổ chức tiếng Anh quốc tế để tổ chức kỳ thi IELTS tại trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên”, ông Đức nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường cố gắng hỗ trợ bằng nhiều cách nhằm giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.

“Không chờ đến cuối quá trình đào tạo mới kiểm tra rà soát việc này, ĐH Bách khoa thường xuyên rà soát và hướng dẫn lộ trình cho các sinh viên - trong đó ở mỗi một giai đoạn, các em phải đạt trình độ ngoại ngữ nhất định để được học tiếp. Ví dụ, khi sinh viên chưa đạt trình độ ngoại ngữ theo tiến độ, nhà trường sẽ không cho các em đăng ký quá nhiều học phần, kết hợp nhắc nhở, truyền thông để sinh viên dành thêm thời gian học tiếng Anh”, ông Hùng nói. 

Ông cho biết thêm, trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh một số hướng giải pháp, chẳng hạn như đưa ra lộ trình theo từng kỳ cho sinh viên để khi tốt nghiệp đạt mức chuẩn đầu ra. “Nếu để đến 1-2 kỳ cuối mới học, các em không thể kịp”, ông Hùng nói.

“Chúng tôi đang cố gắng lượng hóa tốt nhất các lộ trình đó. Dữ liệu trên hệ thống đã có. Ví dụ, sinh viên đang học đến kỳ nào, tích lũy được bao nhiêu tín chỉ/điểm và cảnh báo đến thời điểm đó nên đạt trình độ tiếng Anh ra sao. Việc giới hạn đăng ký tín chỉ/môn học cũng là giải pháp, bởi khi đó sinh viên bắt buộc dành thời gian học và đạt đến trình độ tiếng Anh nhất định nào đó”.

Đại học 'mạnh tay' giới hạn đăng ký phần nếu sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh  第1张 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cung cấp

Ngoài ra, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tìm cách tạo thêm môi trường ngoại ngữ cho sinh viên. “Chúng tôi cố gắng quốc tế hóa bằng việc thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến trường hơn, mời các giảng viên nước ngoài đến giảng dạy. Các tổ chức Đoàn, Hội tổ chức thêm những câu lạc bộ liên quan đến tiếng Anh. Nhà trường cũng có một trung tâm chuyên đào tạo về ngoại ngữ để hỗ trợ sinh viên yếu hoặc có nhu cầu”, ông Hùng nói.

Đại diện Trường ĐH Thương mại thông tin rằng, giải pháp thường xuyên của trường là tăng cường đôn đốc sinh viên đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Nhà trường cũng có trung tâm đào tạo kỹ năng nghề nghiệp liên kết với trung tâm tiếng Anh, hỗ trợ sinh viên học vào các buổi tối để tăng cường, luyện thi.

“Do là đơn vị liên kết của trường nên các khóa học có mức phí ưu đãi hơn so với khi các em đăng ký học ở ngoài”, vị này nói và cho biết thêm, trường sẽ giữ chuẩn đầu ra về tiếng Anh và thậm chí trong tương lai còn yêu cầu cao hơn để tiếp tục hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo.

... đến các biện pháp ''mạnh tay''

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết nhà trường có quy định về chuẩn ngoại ngữ cần đạt qua mỗi học kỳ, nếu sinh viên không đạt sẽ bị giới hạn đăng ký các học phần chuyên ngành.

Trường cũng có chính sách học bổng để khuyến khích sinh viên sớm đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; đồng thời có hệ thống tự động cảnh báo sớm những cá nhân không đạt. Song song, Trung tâm ngoại ngữ của Trường tổ chức nhiều hình thức giảng dạy trong và ngoài giờ học chính quy giúp sinh viên bổ túc ngoại ngữ nếu chưa đạt chuẩn quá trình. Trung tâm cũng xây dựng hệ thống bài giảng số giúp sinh viên tự học trực tuyến để củng cố các kiến thức và kỹ năng về ngoại ngữ ngoài giờ học trực tiếp trên lớp.

Dù vậy, theo ông Khang, sinh viên cần tự nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng ngoại ngữ - đó là điều kiện cần để thăng tiến trong công việc sau này, từ đó có kế hoạch học tập dài hạn theo từng ngày, tuần, tháng, năm từ khi bước chân vào đại học cho đến lúc tốt nghiệp. Sau đó, các em cần kiên trì học để đạt các kỹ năng theo đúng kế hoạch đề ra; đăng ký tham gia các kỳ thi chứng chỉ để tự đánh giá trình độ qua từng năm.

Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, ông Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng cho biết, nhà trường có khoa và trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng và khảo thí ngoại ngữ để tổ chức thi năng lực tiếng Anh 6 bậc. Nhà trường tạo đa kênh và có rất nhiều sự lựa chọn cho sinh viên. Ngoài tiếng Anh, sinh viên có thể theo chuẩn tiếng Hàn, Pháp, hay Nhật. Ngoài ra, trường có chính sách miễn giảm học phí ôn tập, lệ phí thi tổ chức tại trường.

“Tháng nào chúng tôi cũng nhắc nhở sinh viên trên hệ thống. Điều này như một cách cảnh báo, xúc tác liên tục để sinh viên quan tâm nhiều hơn”, ông Thanh nói và hy vọng sinh viên nỗ lực để đạt chuẩn theo quy định, tránh đánh mất cơ hội nghề nghiệp, việc làm.

“Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc, nhà trường sẽ không giảm nên sinh viên phải có lộ trình trang bị cho mình, tốt nhất là đạt từ năm 1, năm 2 để thời gian sau dồn cho học chuyên ngành”, ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TPHCM khẳng định.

Đại học 'mạnh tay' giới hạn đăng ký phần nếu sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh  第2张

Hàng loạt sinh viên vướng chuẩn đầu ra tiếng Anh bị 'lỡ hẹn' tốt nghiệp, vì đâu?

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ đang là yêu cầu khiến hàng nghìn sinh viên chậm tốt nghiệp mỗi năm. Các trường đại học cho rằng những tiêu chuẩn đưa ra không quá gắt gao, vấn đề ở chính sinh viên. Đại học 'mạnh tay' giới hạn đăng ký phần nếu sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh  第3张

Hàng nghìn sinh viên bị 'giam' bằng tốt nghiệp do vướng chuẩn đầu ra tiếng Anh

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) khiến hàng nghìn sinh viên chậm nhận bằng tốt nghiệp mỗi năm. Có sinh viên chậm 1-2 tháng nhưng cũng có sinh viên sau khi xét tốt nghiệp nhiều năm mới được nhận bằng. Đại học 'mạnh tay' giới hạn đăng ký phần nếu sinh viên chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh  第4张

‘Giáo viên dạy tiếng Anh lắp bắp khi giao tiếp với người nước ngoài’

Tôi đã từng chứng kiến một giáo viên dạy môn tiếng Anh THPT trong dịp giao lưu với đồng nghiệp Mỹ đã lắp bắp rồi lặng như tờ. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp cá biệt.