YênBái - Xã Đào Thịnh (Trấn Yên) đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khắc phục 13 mô hình được hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh (gọi tắt là mô hình" 69") sau thiệt hại do bão số 3.

Đào Thịnh tập trung khôi phục các mô hình  第1张 Cán bộ xã Đào Thịnh kiểm tra mô hình chăn nuôi trâu, bò của hộ ông Vũ Mạnh Thắng ở thôn 2 sau lũ.

>> Đào Thịnh - nông thôn mới kiểu mẫu làm theo lời Bác

>> Nông dân Đào Thịnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ

  Sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã thực hiện được 13 mô hình gồm: 3 mô hình chăn nuôi và 10 mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các mô hình. Để các mô hình sớm hoạt động ổn định trở lại, tăng thu nhập cho người dân, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khắc phục.
Kinh tế chủ lực của gia đình là dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, vì vậy, hàng năm, hộ ông Vũ Mạnh Thắng ở thôn 2 luôn có sẵn các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Năm 2024, ông Thắng mạnh dạn nâng cấp, mở rộng chuồng nuôi và mua thêm con giống về để đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi trâu, bò theo Nghị quyết số 69 với quy mô từ 10 con trở lên/mô hình. 
Ông Thắng chia sẻ: "Sau thời gian triển khai, tôi đã xây dựng xong chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, các điều kiện khác theo yêu cầu; đồng thời, mua thêm con giống về đầy đủ nhưng chưa kịp nghiệm thu thì bão lũ tràn về, ngập hết nhà cửa, chuồng trại, rau, cỏ, ngô, lúa. Cũng may là gia đình chủ động di dời nên vật nuôi an toàn. Lũ đi qua, mọi thứ tan hoang, ngay cả rơm cũng không có vì ruộng đồng gần như bị ngập hết, có một số diện tích vẫn được gặt nhưng rơm đều bị ngập bẩn không nên làm thức ăn cho trâu, bò nữa. Vì vậy, trước mắt, tôi quyết định bán bớt con giống ; tập trung trồng cỏ, ngô. Cuối năm, khi có cỏ và ngô vụ đông, tôi sẽ mua thêm con giống để vào đàn”.
Năm 2023, hộ bà Nguyễn Thị Kim, thôn 3 được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 để cải tạo nhà nuôi tằm lớn đạt hơn 100 m2 và trồng thêm gần 1 mẫu dâu. Những ngày đầu thu là thời điểm thời tiết trong năm đẹp nhất để nuôi tằm đạt chất lượng nhưng bão lũ về cuốn bay mọi dự định. Bà Kim vừa mới vào 3 vòng tằm được mấy ngày thì nước lũ về. Tuy là nhà cửa không bị ngập nhưng tất cả diện tích dâu đã bị ngập hết. Thế là tằm đành bị bỏ đói với giá trị 3 vòng tằm khoảng gần chục triệu đồng mất trắng. Chưa kể, diện tích dâu của gia đình ngập hết. Hiện nay, những diện tích dâu già đang lên chồi, khả năng sẽ sống sót, còn hơn mẫu mới trồng cơ bản đều chết hẳn và phải trồng lại, vừa mất chi phí vừa phải ngừng nuôi vụ thu. 
Đồng chí Hoàng Văn Giáp - công chức địa chính - nông nghiệp và môi trường xã Đào Thịnh cho biết: "Theo thống kê, tính đến thời điểm ngày 10/10, toàn xã có hơn 10 ha dâu phải trồng lại, chưa kể các diện tích trồng mới và còn nhiều khu vực đang theo dõi. Trong đó, riêng hơn 3 ha dâu nằm trong diện thuộc các mô hình được hỗ trợ theo Nghị quyết số 69, cơ bản đều chết vì ở các bãi soi thấp và đều là dâu non mới trồng năm 2023 nên sức đề kháng, chịu ngập kém”. Bởi vậy, xã đã cho người dân đăng ký giống để trồng lại hơn chục héc-ta được xác định chết hẳn, số còn lại tiếp tục theo dõi và bổ sung thêm. 
Ngoài ra, 2 mô hình chăn nuôi trâu, bò theo Nghị quyết số 69 cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể mô hình của hộ ông Ngô Văn Thường ở thôn 3, thực hiện năm 2022 bị ngập toàn bộ chuồng trại, diện tích trồng cỏ; mô hình của hộ ông Phạm Hồng Khánh ở thôn 4 bị sạt lở chuồng và ngập hết diện tích cỏ, hiện thiếu thức ăn nên người dân đang giảm đầu đàn và sửa chữa lại chuồng, khi có thức ăn đảm bảo sẽ tăng đàn trở lại”.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân trong khắc phục cơn bão số 3, các mô hình theo Nghị quyết 69 sẽ sớm hoạt động ổn định trở lại, tăng thu nhập cho người dân. 
Châu Á

Tags Đào Thịnh Nghị quyết số 69 trồng dâu nuôi tằm lâm nghiệp thủy sản