Khi ông Prabowo Subianto đảm nhận chức tổng thống Indonesia sau lễ tuyên thệ chính thức vào ngày 20-10, bối cảnh chính trị khu vực và toàn cầu đang đứng trước những thay đổi chưa từng có.

Chương mới cho Indonesia và khu vực  第1张

Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (trái) và cựu tổng thống Joko Widodo sánh bước trong lễ chuyển giao tại phủ tổng thống ở Jakarta ngày 20-10 - Ảnh: Reuters

Dù nhiều khả năng sẽ có cách tiếp cận quản trị và ưu tiên phát triển kinh tế trong nước của người tiền nhiệm Joko Widodo (Jokowi), nhưng ông Subianto được cho là sẽ để lại dấu ấn cá nhân hơn trong chính sách đối ngoại.

Người dân phải được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi, nghèo đói, sự ngu dốt, áp bức và đau khổ.

Ông PRABOWO SUBIANTO phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Indonesia ngày 20-10

Ngoại giao thực dụng

Ông Subianto đã bày tỏ tham vọng rõ ràng trong việc tăng cường khả năng quốc phòng của Indonesia, đồng thời ủng hộ rằng sự thịnh vượng của quốc gia vốn gắn liền với cơ sở hạ tầng an ninh mạnh mẽ.

Lập trường này thể hiện sự chuyển hướng đáng kể từ chính quyền Jokowi, vốn duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức dưới 1% GDP. Dưới sự lãnh đạo của ông Subianto, chi tiêu quốc phòng dự kiến tăng "phi mã" trong thời gian cầm quyền. Nhà lãnh đạo này khả năng sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực hải quân và không quân. Ví dụ, việc Indonesia mua hai tàu tuần tra xa bờ gần đây của Ý làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng của nước này đối với an ninh hàng hải.

  • Chương mới cho Indonesia và khu vực  第2张

    Tân tổng thống Indonesia phát biểu gì tại lễ nhậm chức?ĐỌC NGAY

Chính sách ngoại giao thực dụng đã được thể hiện rõ ràng trong các hoạt động đối ngoại của ông. Ông đã đến thăm các cường quốc toàn cầu quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Điều này cho thấy và có thể phần nào "đoán được" chiến lược ngoại giao của Indonesia trong thời gian tới là nhằm duy trì và tăng cường mối quan hệ cân bằng với nhiều quốc gia có ảnh hưởng khác nhau.

Tuy nhiên, ông Subianto sẽ tập trung ưu tiên xây dựng các mối quan hệ song phương bền chặt, đặc biệt là với các cường quốc quân sự như Mỹ. Điều này có thể dẫn đến sự "tương tác" của Indonesia với ASEAN ít nhiều có thể bị hạn chế hơn so với người tiền nhiệm.

Bất chấp những thay đổi được dự đoán trước nay, chính sách đối ngoại của ông Subianto khó có thể đi chệch hướng đáng kể so với chiến lược không liên kết vốn dĩ được xem là chiến lược bao đời nay của Indonesia. Ông sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp ngoại giao chặt chẽ, tiếp tục duy trì sự "mơ hồ" về mặt chiến lược trong khi thúc đẩy quan hệ với cả các cường quốc phương Tây và phương Đông. Cách tiếp cận này sẽ mang lại cho Indonesia sự linh hoạt cần thiết để điều hướng trong một thế giới ngày càng đa cực cũng như các diễn biến phức tạp như hiện nay.

Kinh tế: nhiều Trung Quốc, ít Mỹ hơn?

Về mặt kinh tế, Indonesia phải đối mặt với những thách thức và cơ hội đáng kể. Ông Subianto thừa hưởng một nền kinh tế tuy bền bỉ nhưng vẫn đang phải vật lộn với áp lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 và những thay đổi thương mại toàn cầu. Indonesia có lợi thế để tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là niken, vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện (EV) toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ xác định chiến lược kinh tế của Indonesia dưới thời ông Subianto.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, với thương mại song phương đạt 149,1 tỉ USD vào năm 2022, tăng mạnh so với năm trước. Hơn nữa, Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai tại Indonesia, đóng góp 8,2 tỉ USD vào năm 2022 và con số này sẽ còn tăng hơn nữa, với cam kết đầu tư bổ sung 4,48 tỉ USD vào tháng 7-2023 (Indonesia).

  • Chương mới cho Indonesia và khu vực  第3张

    Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ nhậm chức của Tổng thống Indonesia Prabowo SubiantoĐỌC NGAY

Ông Subianto dự kiến tiếp tục tận dụng các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành công nghiệp niken, một lĩnh vực mà người tiền nhiệm Jokowi đã tích cực phát triển. Chỉ riêng năm 2022, Indonesia đã xuất khẩu sản phẩm niken trị giá 34 tỉ USD.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư của Trung Quốc có thể làm căng thẳng mối quan hệ của Indonesia với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Những lo ngại của Washington về ảnh hưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt thông qua sáng kiến Vành đai và con đường, có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Indonesia nhằm cân bằng cả hai cường quốc. Hơn nữa, Mỹ có điều kiện đầu tư chặt chẽ hơn, chú trọng đến nhân quyền và bảo vệ môi trường, khiến Indonesia khó thu hút các nhà đầu tư Mỹ hơn so với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong khi mong muốn duy trì dòng đầu tư ổn định của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng và làm mới nền kinh tế của Indonesia, ông Subianto vẫn thận trọng về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Indonesia là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về quyền đánh cá gần quần đảo Natuna. Do đó, ông Subianto có khả năng sẽ tiếp tục động thái cân bằng của ông Jokowi, tận dụng sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc đối với quốc gia này.

Ngoài vấn đề kinh tế, nền tảng quân sự và lập trường vững chắc của ông về an ninh quốc gia cho thấy Indonesia sẽ tỏ ra quyết đoán hơn trong địa chính trị khu vực. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đòi hỏi phải hành động cẩn thận để tránh xa lánh hoặc phụ thuộc một trong hai cường quốc.

Sự lãnh đạo của ông Subianto thể hiện tầm nhìn về một Indonesia không chỉ là một quốc gia đóng vai trò chủ chốt ở Đông Nam Á mà còn là một quốc gia có vị thế lớn trên trường quốc tế (hiện là thành viên của nhóm G20). Việc tận dụng các động lực quốc tế đồng thời thúc đẩy các ưu tiên trong nước sẽ giúp ông Subianto xác lập "di sản" của mình trong chiến lược đối ngoại của Indonesia những năm tới.