Iran đã phóng dồn dập lượng lớn tên lửa đạn đạo vào số ít mục tiêu ở Israel, nhằm gây quá tải lưới phòng không đa tầng của đối phương.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đêm 1/10 thông báo tiến hành chiến dịch "Lời hứa Đích thực 2" nhắm vào ba căn cứ quân sự Israel gần thành phố Tel Aviv gồm sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim, tuyên bố 90% tên lửa "đã đánh trúng mục tiêu".
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Iran đã phóng hơn 180 tên lửa đạn đạo nhằm vào nước này, trong khi Lầu Năm Góc ước tính Tehran khai hỏa gần 200 quả đạn. Tel Aviv tuyên bố phần lớn tên lửa bị đánh chặn, không quân Israel "vẫn đảm bảo năng lực hoạt động bình thường và sẽ tiếp tục tấn công quyết liệt ở Trung Đông".
Dù vậy, trong những video do Bộ Ngoại giao Israel công bố, chỉ có số ít tên lửa Iran bị bắn nổ trên không, một số quả đạn liên tiếp lao xuống và tạo ra những vụ nổ lớn trên mặt đất. Dữ liệu đối chiếu địa lý cho thấy những khu vực bị tập kích trong các video gồm sân bay Tel Nof và Nevatim.
Chiến thuật giúp tên lửa Iran xuyên thủng lưới phòng không IsraelTên lửa Iran lao xuống lãnh thổ Israel đêm 1/10. Video: IRNA, BNG Israel
Điều này đặt ra nghi vấn với năng lực của lưới phòng không đa tầng đang bảo vệ Israel, cũng như cho thấy chiến thuật "gây quá tải" có thể đã giúp Tehran vượt qua hệ thống phòng thủ của Tel Aviv và đồng minh trong cuộc tấn công đêm 1/10.
Tom Karako, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định số tên lửa Iran xuyên qua lưới phòng không Israel trong đêm 1/10 nhiều hơn hẳn so với đòn tập kích bằng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) hồi tháng 4.
"Đây dường như là đòn tấn công áp đảo, tập trung vào số ít mục tiêu trong khu vực giới hạn, thay vì tập kích dàn trải. Chúng tôi từng cảnh báo rằng chiến thuật này có thể gây quá tải lưới phòng không đa tầng rất vững mạnh của Israel", chuyên gia Tyler Rogoway viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Israel sở hữu mạng lưới phòng không có thể đối phó nhiều mối đe dọa, từ rocket, UAV tự sát đến tên lửa đạn đạo và hành trình.
Hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel thường được chú ý vì tỷ lệ đánh chặn mục tiêu rất cao. Tuy nhiên, đó là tổ hợp phòng không tầm ngắn chỉ chuyên đối phó rocket và đạn cối, vốn có tốc độ chậm, bay thấp và quỹ đạo dễ dự đoán, không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Lá chắn tên lửa đạn đạo của Israel hiện nay gồm hệ thống tầm xa Arrow 2/3 và tầm trung David's Sling.
Tên lửa Arrow 3 trong đợt phóng thử tại Israel năm 2019. Ảnh: BQP Israel
Israel phát triển dòng tên lửa Arrow từ giữa những năm 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran, chương trình này tiêu tốn hàng tỷ USD và được coi là một trong những lá chắn tên lửa hiện đại nhất thế giới. Hệ thống Arrow được tối ưu để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, không phù hợp cho nhiệm vụ bắn hạ rocket và máy bay thông thường.
Tên lửa Arrow 2 sử dụng đầu nổ phân mảnh, có nhiệm vụ phá hủy tên lửa đạn đạo ở trên tầng bình lưu ở độ cao trên 20 km, nhằm ngăn nguy cơ mảnh vụn đầu đạn phát tán vật liệu phóng xạ hoặc sinh hóa xuống lãnh thổ Israel.
Trong khi đó, tên lửa Arrow 3 sử dụng cảm biến quang học để tìm kiếm mục tiêu, đầu đạn không mang thuốc nổ mà tận dụng khả năng cơ động cao nhằm đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng. Hệ thống Arrow 3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay trong không gian, trước khi chúng trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu.
Dov Raviv, người được ví là "cha đẻ của lá chắn Arrow", hồi năm 2004 khẳng định mỗi quả đạn có tỷ lệ phá hủy mục tiêu lên đến 90%. Trong trường hợp bắn trượt, khẩu đội Arrow sẽ phóng bồi thêm hai đạn trong thời gian ngắn, trong đó một quả có thể chuyển hướng tới mục tiêu tiếp theo nếu tên lửa đối phương bị tiêu diệt.
"Điều này cho phép hệ thống Arrow đạt tỷ lệ đánh chặn tới 99,9% và đáp ứng yêu cầu chỉ để lọt một trong 1.000 quả đạn bay tới. Mỗi khẩu đội cũng có khả năng bắn hạ cùng lúc hơn 5 tên lửa đạn đạo được phóng trong vòng 30 giây, năng lực hiện chỉ Mỹ và Nga sở hữu", ông nói.
Vệt sáng từ tên lửa Iran phóng nhằm vào Israel ngày 1/10. Ảnh: AP
Bên dưới Arrow là tổ hợp David's Sling do hãng Rafael của Israel và Raytheon của Mỹ hợp tác sản xuất, có khả năng bắn hạ tên lửa từ khoảng cách tối đa 300 km, được phát triển nhằm thay thế các hệ thống Patriot bị Tel Aviv đánh giá là kém hiệu quả.
Khẩu đội David's Sling được trang bị 12 tên lửa Stunner sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp.
Điểm đặc biệt nhất của Stunner là hệ thống đầu dò đa kênh dùng trong pha tiếp cận mục tiêu. Phần đầu tên lửa có hình dạng giống mũi cá heo chứa cảm biến ảnh nhiệt, đầu dò quang - điện và đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Thiết kế này khiến đối phương rất khó đánh lừa quả đạn Stunner, đồng thời tăng khả năng diệt những mục tiêu khó bám bắt như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tàng hình.
Trong cuộc tấn công đêm 1/10, IRGC tuyên bố đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah và "phá hủy radar tổ hợp Arrow 2/3".
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.
IRGC ra mắt tên lửa siêu vượt âm Fattah hồi tháng 6/2023, mô tả đây là "bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực tên lửa" của nước này. Giới chức Iran cho hay Fattah có tầm bắn 1.400 km, tốc độ tối đa khoảng 15.000 km/h, nhanh gấp 14 lần âm thanh, và có khả năng "xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ".
Tên lửa Fattah được Iran ra mắt hồi tháng 6/2023. Ảnh: IRNA
Fabian Hinz, chuyên gia về chương trình tên lửa của Iran tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận định một mảnh vỡ thu được sau trận tập kích có kết cấu cánh giống tên lửa siêu vượt âm Fattah-1 và tên lửa đạn đạo tầm trung Kheibar Shekan.
"Hai mẫu tên lửa này dùng chung hệ thống động lực và rất khó phân biệt, song có thể khẳng định Iran đã dùng những tên lửa tiên tiến nhất trong cuộc tấn công", ông nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng Fattah chỉ là tên lửa đạn đạo thông thường, không thuộc nhóm vũ khí siêu vượt âm vì thiếu khả năng cơ động liên tục ở tốc độ cao trong bầu khí quyển để vượt qua lưới phòng không đối phương.
Theo Hinz, tên lửa Fattah mang được đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động. Loại đầu đạn này có tính năng tương tự phương tiện lướt siêu vượt âm, nhưng khả năng cơ động kém hơn và chủ yếu vẫn bay theo quỹ đạo cố định trong giai đoạn giữa hành trình. Chúng có thể đột ngột tăng độ cao khi lao tới mục tiêu và tạo ra đường bay trồi sụt, giúp tăng tầm bắn, điều chỉnh hướng bay và gây khó khăn cho lá chắn tên lửa đối phương.
"Đây là cải tiến của tên lửa Fattah so với các mẫu cũ hơn của Iran", ông nói thêm.
Vị trí Iran và Israel. Đồ họa: BBC
Phóng dồn dập gần 200 tên lửa trong vòng vài phút cho thấy Iran không chỉ muốn áp đảo lưới phòng không Israel, mà còn vắt kiệt kho đạn dự trữ vốn rất đắt tiền của đối phương.
Một cựu cố vấn tài chính của tư lệnh IDF cho biết mỗi quả đạn Arrow có giá 3,5 triệu USD, chưa rõ phiên bản, trong khi tên lửa Stunner của hệ thống David's Sling có giá một triệu USD mỗi quả. "Điều đó đồng nghĩa Israel đã mất hàng trăm triệu, thậm chí vài tỷ USD để bắn hạ trên dưới 100 tên lửa Iran trong đêm 1/10", người này cho hay.
Israel hiện chưa công bố thiệt hại cụ thể sau đòn tập kích của Iran, cũng như số lượng tên lửa mà họ đánh chặn được. Tel Aviv chỉ cho hay cuộc tấn công "không gây thiệt hại lớn về hạ tầng" và khiến một dân thường thiệt mạng, hai người bị thương.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, IRNA, CNN)
Đăng thảo luận