Cuộc chiến gian nan với thuốc lá lậu
Phát biểu mở đầu toạ đàm, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Minh Toản cho biết, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực 11 năm. Thời gian qua, chúng ta đã làm những gì, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống ra sao; tác hại của thuốc lá như thế nào… là những câu chuyện cần bàn, đặc biệt về ảnh hưởng của thuốc lá đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Mạnh Thắng.
Theo nhà báo Lê Minh Toản, với nhiều người hút thuốc lá, có nhiều loại thuốc được xác định chỉ nhập lậu mới có, nhưng bao nhiêu năm nay vẫn “không đứt đoạn”, đặt ra bài toán về hiệu quả phòng, chống buôn lậu thuốc lá.
“Chúng ta thấy rằng, đó chính là một cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có thuốc lá. Luật đã có hiệu lực hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân tình trạng này là gì. Công tác truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá ra sao; việc lượng hoá tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người như thế nào, bởi còn nhiều quan niệm khác nhau”, nhà báo Lê Minh Toản nói.
Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng nêu hiện nay có thế hệ thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khiến cơ quan chức năng “gian nan” hơn trong quản lý, giới truyền thông bối rối, bởi chưa lượng hoá được, chỉ mặt đặt tên những loại thuốc lá này, tình trạng buôn lậu rất phức tạp…
“Báo Tiền Phong là cơ quan của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có lượng bạn đọc trẻ. Toạ đàm sẽ góp phần tuyên truyền đến giới trẻ về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới”, nhà báo Lê Minh Toản nói và cho biết thông tin tại tọa đàm sẽ được cung cấp tại diễn đàn của báo Tiền Phong tổ chức ở Nghệ An trong thời gian tới về “Phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học thế nào”.
4 năm, xử lý hơn 700 vụ buôn lậu
Tại tọa đàm, trao đổi về việc đấu tranh với tình trạng buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, xuất hiện trên thị trường “chợ đen” hai loại thuốc lá mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới), chiều hướng ngày càng gia tăng.
Qua thống kê, kiểm soát, từ năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã xử lý trên 700 vụ liên quan thuốc lá thế hệ mới, xử lý và tiêu huỷ hàng hoá trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Số lượng này chiếm 10% tổng số vụ liên quan đến thuốc lá nói chung, nhưng giá trị hàng chiếm trên 80%. Từ tháng 1/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 400 vụ. Gần đây, ở Hưng Yên, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an kiểm tra 1 vụ có trên 163.000 sản phẩm, gần 10 tấn phụ kiện các loại kèm theo.
Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Mạnh Thắng
Thông tin bên trên là số vụ việc cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý được, còn thực tế thị trường diễn ra có thể còn cao hơn. Hiện nay, do chưa có quy định, nên chủ yếu mặt hàng này là nhập lậu, tự pha trộn trong nước, do vậy, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khoẻ thể chất của người dùng.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội - cho biết, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biển. Đối với thuốc lá điện tử phổ biến với lứa tuổi thanh thiếu niên, thuốc lá nung nóng phổ biến với độ tuổi trưởng thành, thu nhập ổn định. Thuốc lá nung nóng chủ yếu đến từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc nhập lậu qua biên giới. Đây là loại hình giá trị cao, khoảng 4-5 triệu đồng/thùng.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội.
Thuốc lá điện tử giá trị thấp hơn, hiện đang xâm nhập vào hệ thống trường học gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của thanh thiếu niên. Đặc biệt, thuốc lá điện tử dễ gây phát sinh tệ nạn xã hội, như chúng ta đã biết có cả việc tẩm tinh dầu cần sa vào loại hình này. Các đối tượng kinh doanh thuốc lá điện tử đa số kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, không gian mạng, đối tượng bán không có cửa hàng, nhà không biển. Người đến mua cũng được giao qua các ứng dụng giao hàng nên rất khó xác minh được đối tượng. "Đây là điểm khó cho cơ quan chức năng", Trung tá Nguyễn Minh Tiến thông tin.
Phân biệt thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
Ông Lê Thành Hưng. - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, thuốc lá thế hệ mới có 2 nhóm là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Riêng đối với thuốc lá nung nóng bản chất có nguyên liệu thuốc lá, giống với thuốc lá điếu truyền thống nhưng khác về cơ chế. Thuốc lá nung nóng sử dụng cơ chế làm nóng gián tiếp, không đốt cháy, bản chất là quá trình oxy hóa với tốc độ đủ lớn để giải phóng nhiệt. Đây là điểm khác biệt so với thuốc lá truyền thống. Còn đối với thuốc lá điện tử nguyên liệu là từ dung dịch, có thể có hoặc không có nicotin.
Ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có quan điểm rõ ràng với thuốc lá nung nóng từ năm 2018. Hội nghị các bên được tổ chức và đã ban hành văn bản liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. WHO công nhận thuốc lá nung nóng là thuốc lá và cần tuân theo quy chuẩn chung về thuốc lá. Ngoài ra, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã có văn bản liên quan đến sản phẩm này. Qua đó, ISO ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến thuốc lá nung nóng, có khái niệm, định nghĩa các thuật ngữ liên quan.
"Đây cũng là tiền đề để chúng ta đưa ra các biện pháp giám sát thành phần sinh ra từ thuốc lá nung nóng", ông Hưng nói. Vị chuyên gia cho biết, trên cơ sở tài liệu ISO và tiêu chuẩn của các nước Anh, Nga, Trung Đông,Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã biên soạn một số tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến sản phẩm thuốc lá nung nóng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2020.
Thất thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm do thuốc lá lậu
Về vấn đề hàng thuốc lá nhập lậu qua biên giới gây thất thu cho nền kinh tế, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, theo nguồn tài liệu mở, mỗi năm, trung bình thuốc lá nhập lậu gây thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.
“Với thuốc lá thế hệ mới, tôi chưa nói đến những chính sách về thuế, bởi chưa có điều chỉnh cụ thể. Nhưng chỉ tính riêng cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý tang vật tịch thu, tiêu huỷ thì qua 4 năm vừa qua, với hàng trăm vụ và hàng trăm nghìn sản phẩm, chi phí cũng lên tới nhiều tỷ đồng”, ông Công thông tin.
Về câu hỏi: Chúng ta có những thuận lợi và khó khăn gì trong cuộc chiến phòng chống thuốc lá lậu? Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có một số thuận lợi. Đầu tiên là có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính… và tất cả các thành viên của Ban Chỉ đạo 389. Thứ hai là lực lược chức năng các cấp đã quyết liệt vào cuộc triển khai nghiệp vụ trên nhiều tuyến, nhiều địa phương. Nhờ đó, có nhiều vụ việc buôn lậu, sản xuất và nhập lậu thuốc lá bị triệt phá.
Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Ảnh: Mạnh Thắng.
Tuy nhiên, công tác của Ban Chỉ đạo 389 vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như: Trang thiết bị, phương tiện chống buôn lậu ở biên giới và nội địa còn thiếu, nhất là giữa bối cảnh thương mại điện tử phát triển, tội phạm buôn lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi; Thiếu nhân sự về nghiệp vụ thương mại điện tử, để phát hiện kịp thời các vụ việc buôn lậu; Các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa thống nhất, chưa kịp thời. Dẫn đến việc nhiều nội dung chưa rõ ràng, khiến lực lượng chức năng gặp lúng túng trong việc xử lý.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung Ban Chỉ đạo 389 và lực lượng chức năng thời gian qua đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Minh chứng là từ năm 2013 đến nay, nhiều vụ triệt phá các cơ sở sản xuất thuốc lá lậu tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, TP HCM,… đã được thực hiện. Hằng năm, lực lượng thuộc Ban 389 đã bắt giữ được hàng trăm nghìn sản phẩm thuốc lá vi phạm quy định của pháp luật.
Từ khi có công điện của Thủ tướng, các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, kiểm tra, xử lý, triệt phá nhiều vụ việc liên quan tới buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới.
Giải pháp nào cho thuốc lá mới?
Trao đổi tại tọa đàm, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - cho biết, Bộ Công Thương đã gửi dự thảo sửa đổi Nghị định 67 hai lần về thí điểm hay không thí điểm quản lý thuốc lá thế hệ mới, nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Nêu về khái niệm thuốc lá trong Luật, ông Hải cho biết, đã có định nghĩa về thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, nhưng chưa có thuật ngữ “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay thuốc lá thế hệ mới”, tuy nhiên, các nhà làm luật đã đưa cụm từ “và các dạng khác”.
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp.
Điều này gây khó khăn trong quản lý thuốc lá thế hệ mới trong thời gian qua, bởi có quan niệm cho rằng, luật chỉ áp dụng cho thuốc lá truyền thống. Theo khuyến cáo của WHO, nếu thuốc lá thế hệ mới nào chứng minh được có nguồn gốc từ thuốc lá… thì có thể quản lý bằng quy định liên quan thuốc lá truyền thống. Nói thêm về một số vướng mắc liên quan quản lý thuốc lá thế hệ mới trong gần chục năm qua ở Việt Nam, ông Hải nêu, nếu muốn chứng minh tác hại của loại này, chỉ cần các nhà khoa học vào cuộc, không quá khó khăn.
Ông Hải cho biết: “Câu chuyện cần quản lý là có thật. Chúng ta loay hoay quá nhiều thời gian.” Về lo ngại thuốc lá thế hệ mới xâm nhập vào trường học, theo ông Hải, ngay cả thuốc lá bình thường cũng không được phép vào trường học. Luật đã quy định, vấn đề là thực thi các quy định. Ông Hải nêu, nếu chúng ta thừa nhận loại hình thuốc lá này thì cần có hành lang pháp lý. Cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm nghiệm. Tem thuốc lá mỗi năm cấp có số lượng nhất định, nếu hãng nào không có tem thì là hàng nhập lậu, phải xử lý. Lợi nhuận thuốc lá mang lại cao, nên tình trạng buôn lậu rất nhiều.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội - cho rằng, thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng là sản phẩm có hại cho sức khỏe. Do thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc lá đều phải có giấy phép. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào cho phép sản xuất hay nhập khẩu đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do đó, đang có khoảng trống pháp lý đối với các sản phẩm này, cũng như biện pháp để giảm thiểu tác hại của các sản phẩm thuốc lá đối với sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội.
Ông Ngọc đề xuất sắp tới cần có quy định làm sao thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người. Văn bản này phải dựa trên kết quả nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Trong nước, theo ông Ngọc chia sẻ hiện có Trường Đại học Y Hà Nội, gồm một nhóm tác giả đã dựa trên nhiều nghiên cứu để đưa ra kết quả nghiên cứu đáng tin cậy về thuốc lá nung nóng. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn đối với sản phẩm này.
Năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Công Thương làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, cũng như ban hành chính sách thí điểm, đánh giá tác hại về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, cũng như cân đối hài hòa quyền lợi của các bên liên quan. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Ủy ban Xã hội của Văn phòng Quốc hội đã nhiều lần đề cập đến vấn đề quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại các kỳ họp, đồng thời đưa ra kiến nghị về giải pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá mới.
Đặc biệt, ngày 4/5/2024, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại phiên giải trình, hội nghị đã chỉ ra rằng Bộ Y tế chưa cập nhật, chậm giải trình về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, quan điểm của các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa thống nhất dẫn tới việc chậm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Do đó, phiên giải trình đưa ra kiến nghị là: Ngay trong 2024 phải chỉ đạo khảo sát, đánh giá toàn diện tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, để hướng tới việc quản lý chặt chẽ, có giải pháp đồng bộ đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Từ đó có thể đưa ra công bố về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngay sau phiên giải trình, ngày 13/5/2924, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, Thủ tướng Chính yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, bổ sung sửa đổi về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó thuốc lá là mặt hàng có quy định về thực hiện bảo vệ sức khỏe con người khỏi thuốc lá, dựa trên các kết quả nghiên cứu. Có thể thấy, thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm kinh doanh có điều kiện, nhưng tình trạng sản phẩm trôi nổi trên thị trường xuất hiện nhan nhản, mặc dù đã có sự chỉ đạo của Chính phủ. Bởi lẽ hiện nay vấn đề quản lý thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới vẫn có khoảng trống về pháp lý. Do đó, cần tăng cường sự chỉ đạo và liên kết giữa các bộ, ngành.
Đóng góp ý kiến cho tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - "kiến nghị: Tôi cho rằng cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thuốc lá thế hệ mới theo hướng quy định rõ cấm hay cho phép sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới; loại nào cấm, loại nào cho phép. Nếu cho phép thì phải quy định rõ về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn; quy định về ghi nhãn, về quảng cáo, về việc tuyên truyền về tác hại của loại thuốc lá đó; quy định về thuế… Đồng thời, cần quy định rõ về chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới nhập lậu (bao gồm cả xử lý hành chính và xử lý hình sự; mức định lượng sản phẩm nhập lậu để xử lý hành chính, hình sự…)".
Ông Nguyễn Mạnh Cường (người đứng) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.
Riêng đối với thuốc lá nung nóng thì cá nhân tôi cho rằng cần hết sức cân nhắc. Loại thuốc lá này không dễ tiếp cận do giá cả và tính phức tạp, cồng kềnh trong việc sử dụng. Nếu chúng ta có căn cứ khoa học chứng minh rằng thuốc lá nung nóng gây tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng cũng như những người xung quanh ít hơn rất, rất nhiều lần so với tác hại của thuốc lá truyền thống (có nghiên cứu cho rằng tác hại được giảm trên 90% đến 95% do thay đổi cách đốt điếu thuốc lá từ đốt ở nhiệt độ hơn 1000 độ C sang nung nóng ở 400 độ C) thì tại sao lại cấm.
Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu về tác hại thuốc lá nung nóng so với thuốc lá truyền thống mới chỉ là các thông tin được đăng tải trên các mạng xã hội, rất cần phải được tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập với các nhà sản xuất thuốc lá đánh giá và phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt nam kết luận, cho ý kiến. Nếu số liệu nghiên cứu đó là đúng thì cấm sử dụng thuốc lá nung nóng là rất bất hợp lý (khi vẫn cho sử dụng thuốc lá truyền thống), không bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng và những người xung quanh (tức là người hút thuốc lá thụ động). Chỉ nên cấm thuốc lá nung nóng khi chúng ta cấm tất cả thuốc lá truyền thống.
Việc cho phép sử dụng thuốc lá nung nóng không có nghĩa là chúng ta khuyến khích sử dụng một sản phẩm độc hại, mà phải hiểu rằng đây là giải pháp cho người nghiện thuốc lá chưa thể từ bỏ được hút thuốc được chuyển sang dùng sản phẩm ít hại hơn cho chính mình, cho môi trường và những người xung quanh. Cũng giống như việc cho phép người đang hút thuốc lá truyền thống được lắp thêm tẩu có đầu lọc vào điếu thuốc để giảm tác hại.
Hiện nay, chúng ta đang cho phép người nghiện ma túy chuyển sang sử dụng Methadone thay thế (bản chất là loại ma túy hợp pháp) do những lợi ích của biện pháp này, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là methadone không có hại cho sức khỏe…Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới, bên cạnh thuốc lá truyền thống đều cho sử dụng thuốc lá nung nóng.
Xem nhiềuKinh tế
Giá vàng thế giới bứt tốc tăng cao kỷ lục
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tăng cao nhất lịch sử
Kinh tế
Thương lái Trung Quốc 'quay xe', giá cau ở Quảng Ngãi lao dốc
Kinh tế
Đề xuất nghỉ 4 ngày Quốc khánh năm 2025, dịp 30/4 nghỉ 5 ngày
Kinh tế
Đăng thảo luận