Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000 hecta rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.
Mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Bảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt Net-Zero vào năm 2050.
Theo dự thảo Quy hoạch, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000 hecta rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.
Để hiểu rõ thực trạng, từ đó phát triển rừng hướng tới mục tiêu Net-Zero, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các đối tác tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững”.
Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%.Hội thảo có sự tham dự của các đại diện của bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, các tổ chức phát triển dự án, các quỹ đầu tư, đại diện các doanh nghiệp để cùng trao đổi, chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển rừng bền vững. Từ đó, đề xuất, hiến kế các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực cho phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tại Hội thảo, các bài báo cáo về “Cơ sở pháp lý và các chính sách của Việt Nam về quản lý, phát triển và khai thác các nguồn lợi từ rừng” của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và đại diện khối tư nhân đã được trình bày.
Tham luận với chủ đề: Thương mại các-bon rừng – Chính sách, thực trạng và định hướng” bà Nghiêm Phương Thúy, Đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Chủ trương, chính sách liên quan đến tín chỉ các-bon rừng khá đầy đủ và chi tiết. Các dự án các-bon trong lâm nghiệp cũng đã được triển khai. Thông điệp chính trong thương mại các-bon rừng có thể thấy ở cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Thị trường các-bon đa dạng và sẽ phát triển mạnh, đặc biệt là thị trường các-bon trong nước; Gia tăng cơ hội đầu tư bảo vệ phát triển rừng thông qua cơ chế tạo tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon tự nguyện… “Việc bảo vệ và phục hồi rừng cần có sự chung tay của tất cả các bên, từ chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng đến từng cá nhân, nhằm đảm bảo các thế hệ tương lai có thể hưởng lợi từ tài nguyên quý báu này”, bà Thúy nói.
Tại phiên thảo luận về “Phát huy hiệu quả giá trị nguồn lợi từ rừng: Kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án phát triển và vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển rừng bền vững, các đại biểu cùng tập trung phân tích về chính sách, quy định với các doanh nghiệp, chủ thể liên quan trong phát triển rừng bền vững, những kinh nghiệm thực tiễn, các thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ. Từ đó, đưa ra các gợi ý, khuyến nghị về mô hình, chính sách, cơ chế, nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả các nguồn lợi từ rừng cũng như lời khuyên cho các doanh nghiệp, chủ thể khác, khi triển khai các dự án về rừng.
Hiện nay, tín chỉ carbon rừng đang được ngành lâm nghiệp nước ta quan tâm. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích rừng đã giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt được các cam kết giảm phát thải, mở ra tiềm năng to lớn để tham gia vào thị trường carbon trong nước và toàn cầu.
Phiên thảo luận 2 về “Thị trường tín chỉ carbon và tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng”, nội dung tập trung vào vai trò của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ carbon rừng, các vấn đề kỹ thuật, khó khăn và thách thức được coi là cản trở đáng kể đối với sự tham gia của khối tư nhân. Trên cơ sở đó, hiến kế các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ carbon rừng.
Đăng thảo luận