Các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tích cực vận động hội viên phát triển kinh tế, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của tỉnh Lai Châu đã có nhiều thay đổi và ngày càng khởi sắc.
Theo đó, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang. Nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp được xây dựng, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, đời sống nông dân từng bước cải thiện với mức sống ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực nông thôn được giữ vững.
Đến nay, tỉnh Lai Châu có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 20,7 triệu đồng/người/năm và thành phố Lai Châu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để có được kết quả trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền và sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân, còn có sự đóng góp công sức không nhỏ của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh.
Điển hình như Hội Nông dân xã Pha Mu, huyện Than Uyên với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa. Đặc biệt, triển khai xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, thực hiện nghiêm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã tuyên truyền các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết bảo vệ môi trường, góp công làm 15 lò đốt rác mini và đào hố rác để tự xử lý rác thải sinh hoạt tại các bản. Tổ chức trồng cây xanh tại các tuyến đường, thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh môi trường chung của bản và từng hộ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Pha Mu - Lò Văn È cho biết, thực hiện phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, với 5 chi hội, 186 hội viên, Hội thường xuyên tuyên truyền đến hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới, những việc nông dân cần thực hiện; vai trò, lợi ích thiết thực đối với bà con và gia đình khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ khi thực hiện chương trình, hội viên, nông dân đóng góp hơn 1.000 ngày công thực hiện bê tông đường trục bản, nội đồng ra khu sản xuất và bảo dưỡng, duy tu sửa chữa kênh mương xuống cấp; 177 hộ hội viên nông dân và nhân dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó, toàn xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới.
Hội Nông dân Lai Châu hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tăng thu nhập.Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu lại có nhiều cách làm sáng tạo.
Theo đó, Hội chủ động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nhất là cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh như: chè, chanh leo, mắc-ca, dược liệu, nuôi cá nước lạnh…
Hội cũng lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách của tỉnh, vốn vay của các ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân… xây dựng các mô hình, dự án kinh tế.
Đến nay, toàn huyện Tam Đường có trên 800 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Hội viên, nông dân đã hiến 37.496,2m2 đất, đóng góp 958 triệu đồng và 10.944 ngày công lao động để nâng cấp, sửa chữa, làm mới các công trình hạ tầng nông thôn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu - Phạm Ngọc Đang cho biết, Hội đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân trong lao động sản xuất cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân lựa chọn những phần việc cụ thể góp sức xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các phong trào thi đua được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng, tham gia.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, có 586 tập thể, 312 cá nhân đăng ký mô hình “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới; cán bộ, hội viên, nông dân đã hiến 432.441m2 đất, đóng góp 149.050 ngày công lao động và 3 tỷ 651 triệu đồng xây dựng công trình phúc lợi, làm đường giao thông; tu sửa làm mới 306km đường giao thông, 156km kênh mương; sửa chữa, làm mới 6 cây cầu.
Ngoài ra, các cấp Hội trong tỉnh vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Đến nay, có 39 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã. Hoạt động hỗ trợ nông dân qua Quỹ Hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh với 1.129 hộ vay vốn (tổng số 59 tỷ 514 triệu đồng); dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác qua tổ chức Hội đạt 989 tỷ 296 triệu đồng; dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn uỷ thác cho vay 164 tỷ 359 triệu đồng.
Nhờ có sự chung tay, góp sức của người dân các xã, bản trong toàn tỉnh, xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn ngày một khang trang. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày một nâng cao.
Đăng thảo luận